Đọc sách …đôi dòng suy ngẫm

Với tôi, việc đọc sách, cũng giống như những thực hành sống hàng ngày khác, chưa bao giờ là cuộc đua và không nên là cuộc ganh đua. Cũng không cần phải tự tạo một cuộc đua với chính bản thân mình làm gì, vì điều đó là vô ích và không cần thiết. Giữ thói quen đọc sách là tốt, nhưng thực hành sống tốt đẹp thì tốt hơn nhiều lần. 

Tôi thường giới thiệu đến mọi người những cuốn sách mà mình đã đọc, vì đó là một chia sẻ có thể hữu ích với những người có duyên tiếp cận. Khi ai đó nói rằng bạn nên đọc 40, 50 cuốn sách/ năm hay vài cuốn sách/tháng. Tôi mỉm cười và im lặng khiêm tốn. Nếu ai đó bảo tôi có ý kiến như thế nào về việc đọc này, tôi cho rằng tốt thôi, nếu bạn có thể duy trì một thói quen bổ ích như vậy. 

Sự đọc đến với tôi không phải quá sớm. Gia đình tôi không phải gia đình có truyền thống trí thức. Những người thân gần như không có khái niệm thư viện hay giá sách là gì. Đến năm 14 tuổi, tôi mới bắt đầu tự mua sách về đọc, và bước đầu là những cuốn sách Hạt giống tâm hồn. Tôi ngụp lặn trong những câu chuyện đầy nuôi dưỡng như vậy. Khi lên cấp 3 và đại học, tôi đọc một số cuốn trinh thám, du lịch, và tiểu thuyết nổi tiếng như Cuốn theo chiều gió, Kiêu hãnh và định kiến, Hai số phận,…  Và kể từ năm 22 tuổi trở đi, tôi gần như chỉ đọc những tác phẩm/minh triết Phật giáo thiết yếu và căn bản nhất như Tứ Diệu Đế, Tạng Thư Sinh Tử, Thập nhị nhân duyên, Bát chánh đạo,…  để từ đó, hiểu về bản chất vũ trụ, thực hành Phật pháp nhằm tinh tấn hơn trên con đường giải thoát. 

Nếu ai đó hỏi tôi rằng tôi đã đọc Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Đồi gió hú,… hay chưa, thì câu trả lời là chưa. Và tôi nhận ra mình chưa hề đọc rất nhiều cuốn mà thế giới cho là kinh điển. Nếu họ khuyên tôi đọc, tôi cũng sẽ khiêm tốn im lặng mà không một lời phản biện nào. Nếu ai đó kinh ngạc mà thốt lên với tôi rằng “trời ơi, cuốn đó kinh điển như vậy mà bạn chưa đọc hay sao, thật phí phạm một đời người!” Và, tôi cũng sẽ chỉ im lặng. Và chỉ có mỗi im lặng là câu trả lời trước những lời như vậy mà thôi. 

Khi tôi còn là một sinh viên, tôi đã luôn tự hỏi bản thân phải chăng cuộc đời của một người trí thức là cứ phải đọc hết những cuốn sách mà cả xã hội đánh giá cao. Phải chăng mình phải gặm nhấm chúng hết để có thể trò chuyện với một ai đó giỏi giang và tài năng, và không bị người ta chê cười. Rồi đến năm 21 tuổi, khi bắt đầu đào sâu vào con đường tinh thần, tôi nhận thấy một sự thật rằng đọc sách là tốt, nhưng đọc tâm (tức nhìn vào tâm thức của mình để đọc nó, thấu biết nó) mới là cái đọc thiết yếu nhất. Đọc tâm này thể hiện qua việc thiền định và chánh niệm. Nhưng cái đọc tâm này có vẻ bị xã hội coi thường, và hoàn toàn mù mờ về nó, vì nền tảng giáo dục không dạy về nó, chưa kể Việt Nam gần như số đông không theo đạo Phật. Và thế, đọc tâm là một cái gì đó mơ hồ, và thế phần đông khó hiểu. 

Nhưng việc chỉ đọc sách không thôi rốt cuộc lại chẳng thể giải quyết nổi nỗi khổ đau. Đọc sách chẳng thể giúp bạn giải quyết triệt để tổn thương và gánh nặng tâm hồn mà bạn đang chịu đựng. Và kể từ đó, tôi thôi không đọc theo cái cách mà người ta cho rằng đọc như thế này mới là đúng. Tôi đọc theo tiếng gọi chỉ dẫn bên trong mình. Tôi nương theo lời dạy của Phật để thực hành rốt ráo. Khi ta tìm thấy đúng kho tàng minh triết nói lên được bản chất vũ trụ, ta dường như không còn để bị dính mắc vào việc đọc những cuốn sách mà cả xã hội đang marketing. Và ta bỏ ngoài tai những lời chế diễu ta. Vì ta không đọc sách để phản biện với ai cả. Ta không dùng kiến thức để hơn thua với người nào. Ta nắm bắt kiến thức để từ đó giúp mình, mà giúp mình ở đây, là giúp mình thoát vô minh, thoát khổ đau. Đó mới là mục đích tối hậu hay ý nghĩa đích thực của việc sinh ra làm một con người. 

Việc đọc đã giúp ích tôi rất rất nhiều và đã hoàn toàn thay đổi con người tôi. Nhờ đọc những cuốn sách nuôi dưỡng tâm hồn, tôi đã sống tốt hơn mỗi ngày, mở rộng lòng từ bi và bác ái. Nhưng có được điều đó, là bởi tôi NGỘ được điều sách nói và đi đến thực hành. Chính cái ngộ rồi đi đến thực hành là điểm vô cùng quan trọng. Nhưng nếu ta chỉ đọc để hằng mong lấp đầy tâm trí bằng những kiến thức đã đọc, thì có khi lại phát tâm kiêu ngạo hay ngã mạn. Tôi từng biết một người bạn đọc rất nhiều cuốn sách, và cứ mỗi lần ai đó nói cái gì đó, bạn như chờ cho người kia nói sai để phản biện: “Em nói sai rồi, trong cuốn A, B, C nói như thế này nè….” Cứ thế, cuộc trò chuyện trở thành một cuộc đối thoại hơn thua. Và dần dần, người ta chẳng muốn nói chuyện với bạn nữa. 

Trong một cuộc chuyện trò, cái tâm kiêu ngạo sẽ khiến bạn không thể lắng nghe ai đó được trọn vẹn. Bạn chỉ đang cố chứng minh sự đọc rộng của mình nhưng sự chứng minh đó lại thành ra vô minh, vì bạn đã không hề áp dụng được một chút gì từ sách dạy. Sách dạy khiêm tốn, thì bạn lại trở nên kiêu ngạo. Sách dạy khiêm nhường và từ bi, thì bạn lại rất thể hiện và thích phán xét đúng sai. Việc đọc sách theo kiểu này, chỉ biến bạn thành một nhà copy lý thuyết trịch thượng. Nhưng rốt cuộc, trí tuệ của bạn chẳng thể khởi sinh. 

Trí tuệ chỉ có thể phát sinh từ việc đọc tâm. Trí tuệ chỉ có thể phát sinh khi con người ta quay về bên trong, quán xét chính mình, rơi vào cái tâm tĩnh lặng, quán xét kiên nhẫn, và cứ kiên nhẫn như thế, cho đến khi cái trí tuệ nảy nở một cách tự nhiên.

Nguồn :Sưu tầm