Thư viện hòa nhập cùng 4.0

Thư viện điện tử đang chiếm lĩnh dần thư viện truyền thống
Thư viện điện tử đang chiếm lĩnh dần thư viện truyền thống

GD&TĐ – Thời gian qua, thư viện Việt Nam đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Việc ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ đã làm thay đổi phương thức hoạt động: Chuyển dịch từ mô hình thư viện truyền thống sang thư viện điện tử. Sự thay đổi này mang đến nhiều lợi ích cho người sử dụng và các thư viện.

Nguồn tài liệu phong phú

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 tạo ra cho ngành thư viện nhiều cơ hội. Vị thế, vai trò của thư viện sẽ gia tăng với sử dụng các thành tựu khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông.

Để bắt kịp sự phát triển nhanh và mạnh của công nghệ 4,0, các thư viện Việt Nam đã và đang chuyển dịch từ mô hình thư viện truyền thống sang điện tử, thư viện số. Sự thay đổi này mang đến nhiều lợi ích cho người sử dụng và các thư viện. Thư viện điện tử tạo ra cơ hội tiếp cận vốn tài liệu và nguồn lực thông tin, không bị giới hạn về không gian và thời gian.

Cùng với đó, các thư viện đã có nhiều đổi mới trong việc cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho cộng đồng và người sử dụng. Ngay trong nghiên cứu, học thuật, vai trò của thư viện đã có sự thay đổi cơ bản.

Đặc biệt, trong việc xây dựng và phát triển thư viện điện tử, các yếu tố như: Sự phát triển của các phần mềm mã nguồn mở; các nguồn tài liệu số và cung ứng tài liệu/truy cập tài liệu số “các nguồn tài liệu mở, dịch vụ cung cấp xuất bản phẩm điện tử; sự quan tâm nghiên cứu phát triển thư viện điện tử; sự hỗ trợ, đồng hành của các cá nhân và doanh nghiệp …

Nói về vấn đề này, bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VH,TT&DL cho biết: “Việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong thời gian qua đã làm thay đổi phương thức hoạt động thư viện. Thư viện đã và đang mang đến cho người đọc cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức mở.

Tài nguyên thông tin mà thư viện xây dựng, phát triển đã tạo ra cho bạn đọc khả năng tiếp cận vượt ra ngoài phạm vi của các bức tường thư viện. Cùng với việc xây dựng bộ sưu tập các tài liệu in, tài liệu đa phương tiện, nhiều thư viện đã chủ động thu thập dữ liệu, tài liệu số; xây dựng các chính sách để truy cập, chia sẻ và sử dụng lại dữ liệu. Đồng thời, tiến hành xử lý, lưu trữ và bảo tồn, quản lý dữ liệu; truyền thông, tổ chức cho mọi người, mọi đối tượng bạn đọc sử dụng”.

Những thách thức của thư viện điện tử

CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội cho việc phát triển thư viên, tuy nhiên cũng đặt ra không ít thách thức. Nếu không đổi mới phương thức hoạt động, các thư viện sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu và gia tăng khoảng cách so thế giới.

Trước khi có CMCN 4.0, nguy cơ này đã đặt ra với ngành thư viện, đặc biệt là thư viện ở Việt Nam. Trước thực tế đó, các thư viện không thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ và phương thức hoạt động thì chắc chắn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vắng bạn đọc và không thể hoàn thành sứ mệnh của mình là cung cấp thông tin và tri thức một cách hiệu quả.

Bộ VH,TT&DL đã tiến hành điều tra 106 thư viện gồm Thư viện Quốc gia Việt Nam, 63 thư viện tỉnh/thành phố, 36 thư viện trường đại học, cao đẳng và 6 thư viện bộ, ngành, kết quả cho thấy: 98% thư viện xây dựng và vận hành thư viện điện tử, hình thành vốn tài liệu điện tử, tài liệu số.

Trong đó, một số thư viện, trung tâm thông tin – thư viện đã xây dựng được vốn tài liệu điện tử, tài liệu số lớn. Các thư viện cũng thường xuyên bổ sung vốn tài liệu điện tử/tài liệu số và thực hiện mua, thuê quyền sử dụng tài nguyên số do đơn vị ngoài cung cấp (Khoảng 35% các thư viện có mua hoặc thuê quyền sử dụng từ các đơn vị cung cấp trong nước, nước ngoài). Ngoài ra, khoảng 37% thư viện được khảo sát cho biết có thực hiện việc liên kết, sử dụng chung nguồn lực thông tin với các thư viện khác.

Một số thư viện đã chủ động sưu tập, khai thác các nguồn tài liệu truy cập mở để hình thành bộ sưu tập phục vụ bạn đọc… Tuy vậy, số lượng tài liệu điện tử cho các thư viện hiện chưa nhiều. Việc số hóa tài liệu chủ yếu được thực hiện trong các thư viện là tài liệu nội sinh (tại đại học, viện nghiên cứu), tài liệu hết bản quyền, tài liệu địa chí (thư viện công cộng)…

Cùng với đó, nhiều không gian mới của thư viện đã hình thành, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các bạn đọc. Trong đó có không gian chia sẻ (S.hub) dành cho người trưởng thành; không gian thân thiện cho thiếu nhi kết hợp nhu cầu học tập, trải nghiệm, tìm hiểu và thực hành khoa học; không gian cho bạn đọc là người khuyết tật như sách nói cho người khiếm thị, thư viện cho người khiếm thị…

CMCN 4.0 đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi các thư viện có sự chuyển dịch và thay đổi để làm tròn sứ mệnh truyền tải tri thức nhân loại đến cho mọi người. Nhận thức rõ vấn đề này, các hệ thống thư viện trường học, thư viện địa phương đang từng bước thay đổi theo công nghệ số hóa để có thể hòa nhập với những đổi mới của cuộc CMCN 4.0. Đồng thời hoàn thành tốt sứ mệnh của mình trong việc cung cấp thông tin và tri thức một cách có hiệu quả nhất.

 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành điều tra 106 thư viện gồm Thư viện Quốc gia Việt Nam, 63 thư viện tỉnh/thành phố, 36 thư viện trường đại học, cao đẳng và 6 thư viện bộ, ngành, kết quả cho thấy: 98% thư viện xây dựng và vận hành thư viện điện tử, hình thành vốn tài liệu điện tử, tài liệu số.

Hiền Anh