Các yếu tố góp phần phát triển văn hóa đọc

          Sự thành bại của một dân tộc do con người quyết định và văn hóa đọc là một trong những thành tố then chốt tạo nên tri thức, sự tiến bộ của dân tộc đó. Cốt lõi của một quốc gia chính là con người. Văn hóa đọc chắc chắn có ảnh hưởng lớn đến trí tuệ của con người, bởi nó tác động đến nhận thức, tư duy, giải pháp và sự sáng tạo của con người trong quốc gia đó.         Không có mô tả ảnh.

Sinh viên tham quan và đọc sách trong ngày sách Việt Nam 21/4/2021 tại Trường Đại học Hà Tĩnh

           Trước thực trạng Văn hóa đọc ở Việt Nam đang dần “nhạt phai”. Người đọc, nhất là giới trẻ có xu hướng “lười đọc”, đọc ít, đọc nhanh. Tâm lý chung của họ là ngại đọc sách dày, ngại đọc sách in, ngại đọc sách về vấn đề lý luận – ngại đọc vì không có thời gian. Điều này đã tạo ra sự phân hóa mạnh mẽ trong thị hiếu đọc của công chúng.

          Một trong những yếu tố trực tiếp truyền thông và tác động mạnh mẽ văn hóa đọc đến bạn đọc phải nói đến từ nhà trường, gia đình và chính các đơn vị xuất bản.

          Cụ thể, nhà trường chưa đưa tiết đọc sách vào khung thời khóa biểu chính thức. Tại các gia đình, nhiều bậc phụ huynh thiếu sự quan tâm đến thói quen đọc sách từ sớm cho trẻ. Các đơn vị xuất bản cũng chưa thực sự chú trọng tới công tác thị trường và biện pháp phát triển văn hóa đọc.

       

Cán bộ, giảng viên tham quan và đọc sách trong ngày sách Việt Nam 21/4/2021 tại Trường Đại học Hà Tĩnh

            Bà Nguyễn Kim Thoa – CEO Tân Việt Books, đưa ra quan điểm “Rất ít gia đình Việt Nam có tủ sách cho con em mình. Chúng ta đang bỏ qua giai đoạn quý giá nhất của một con người để hình thành thói quen đọc. Mỗi người phải hiểu được rằng xây dựng văn hóa đọc là một nhiệm vụ lớn của quốc gia chứ không của riêng cá nhân, tập thể nào”

          Dựa trên 3 yếu tố để tạo thói quen đọc cho một con người. Thứ nhất là môi trường đầy ắp sự gợi ý. Thứ hai là tần suất lặp đi lặp lại. Cuối cùng là phần thưởng để khích lệ.

          Độ tuổi 0 – 6 tuổi, gia đình là thành tố chính góp phần then chốt hướng dẫn và xây dựng mối liên hệ giữa trẻ và sách, mang lại cho trẻ những sự khám phá, trí tò mò kích thích hứng thú cho con nhỏ. Đây là giai đoạn vàng để phát triển và định hình tính cách, trí tuệ ở trẻ.

          Đến giai đoạn tiểu học, nhà trường chiếm vị trí then chốt. Từ giai đoạn trung học cơ sở, xã hội đóng vai trò quyết định thông qua các câu lạc bộ, hội, nhóm, trung tâm văn hóa, mô hình cà phê sách hay sự kiện về văn hóa đọc.

           Ngoài ra, mỗi gia đình, cha mẹ cần hướng dẫn, tác động đến nhận thức của con trẻ về vai trò của sách và kỹ năng đọc, học tập suốt đời. Bên cạnh đó, phụ huynh nên gợi ý danh mục những tựa sách cho con em mình theo từng độ tuổi và đọc cùng con để đạt hiệu quả hơn.

           Muốn phát triển văn hóa đọc, chúng ta cần phải thúc đẩy đồng bộ 3 yếu tố: Thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Việc đọc chỉ có thể trở thành thói quen khi được lặp đi lặp lại trong một thời gian nhất định với tần suất cố định 

          Trong khi đó, nhà trường cần được cung cấp một danh mục gồm những cuốn sách bám sát vào chương trình của Bộ GD&ĐT. Khi có danh mục rồi, giáo viên và học sinh phải thực hiện tiết đọc ít nhất một tiết mỗi tuần.

          Tiếp đến, cần đẩy mạnh các hoạt động văn hóa đọc nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc việt Nam như: Phát động tuần lễ đọc sách, tổ chức các hoạt động, sự kiện tôn vinh sách, trao giải thưởng cho những tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thúc đẩy văn hóa đọc…nhà nước cần có sự đầu tư hơn nữa cho các thư viện văn hóa – tổng hợp. “cần kích hoạt các giải pháp để khuyến khích cha mẹ đọc sách cùng con và đặc biệt, mỗi gia đình phải xây dựng được tủ sách cho trẻ”.

          Đối với đơn vị xuất bản, phát hành sách, việc đẩy mạnh cuộc thi, hoạt động hội sách ở cả hình thức trực tuyến và trực tiếp là rất thiết thực.

          Căn cứ vào những giá trị và lợi ích của việc đọc, tôi nhận thấy mỗi gia đình, nhà trường, cá nhân cần phải có sự quan tâm, chú ý hơn nữa cho hoạt động này. Mỗi người nếu ý thức được vai trò của việc đọc sẽ tạo sức lan tỏa và truyền cảm hứng tình yêu sách đến mỗi người dân trong cộng đồng. Đọc sách sẽ góp phần hình thành nhân sinh quan, thế giới quan của mỗi người. Qua mỗi trang sách, chúng ta sẽ lượm nhặt được nhiều kết quả, giá trị tốt đẹp.

         Đọc là một hoạt động nhỏ nhưng vĩ đại vô cùng, chỉ cần cha mẹ chú ý và coi đó là một hoạt động hàng ngày thì sẽ thay đổi được rất nhiều. Cha mẹ nên dành thời gian đọc sách cùng con và nên chuẩn bị thật nhiều sách để sẵn ở trong nhà để khi có chút thời gian là chúng ta có thể tranh thủ đọc được luôn.

Trung tâm Thông tin – Thư viện biên tập