Thư viện thời 4.0
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang đến những biến động lớn, ảnh hưởng đến mọi ngành, nghề, trong đó có ngành Thư viện. Theo đánh giá của giới chuyên môn, cách mạng công nghệ 4.0 đã, đang và sẽ tạo cho ngành Thư viện một số cơ hội mới trong việc nâng cao vị thế và vai trò của thư viện, song cũng mang đến nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc đổi mới, có những biện pháp thích hợp để tồn tại và phát triển.
CƠ HỘI ĐỂ PHÁT TRIỂN
Để đáp ứng được nhu cầu thông tin và các hoạt động trong thời cách mạng công nghệ 4.0, các thư viện Việt Nam đã và đang chuyển dịch từ mô hình thư viện truyền thống sang thư viện điện tử, thư viện số hiện đại. Sự thay đổi này mang đến nhiều lợi ích cho người sử dụng và đã tạo ra cơ hội tiếp cận vốn tài liệu, nguồn lực thông tin không bị giới hạn về không gian và thời gian. Người đọc không cần đến thư viện vẫn khai thác được nguồn tài liệu với máy tính/trang thiết bị thông minh có kết nối Internet.
Chị Trần Thu Thủy, công tác tại một viện nghiên cứu chia sẻ, trước đây, mỗi khi cần tra cứu thông tin, tư liệu cho đề tài nghiên cứu của mình, chị phải tự mình đến các thư viện, tra danh mục, lật từng trang sách để tìm kiếm. Bây giờ, khi cần tra cứu tài liệu, chị có thể tra cứu những thông tin đó ngay trên máy tính hoặc thiết bị thông minh, mà không cần phải đến tận thư viện. “Từ khi các thư viện áp dụng việc tra cứu trên thư viện điện tử, những người làm công tác nghiên cứu như chúng tôi đỡ vất vả hơn nhiều”, chị Trần Thu Thủy nói.
Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cách mạng công nghệ 4.0 đã, đang và sẽ tạo ra cho ngành Thư viện nhiều cơ hội để phát triển. Vị thế, vai trò của thư viện sẽ có sự gia tăng với sự ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông. Cụ thể, với sự phát triển của công nghệ, các thư viện đã có thêm chức năng mở rộng vượt ra ngoài việc thu thập, lưu trữ, phổ biến thông tin đơn thuần và trở thành nơi cung cấp các nguồn tin, nơi dữ liệu, kiến thức được tạo ra và chia sẻ. Thư viện đã và đang mang đến cho người đọc những cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức mở vượt ra ngoài phạm vi của các bức tường thư viện.
Cùng với việc xây dựng bộ sưu tập các tài liệu in, tài liệu đa phương tiện nhiều thư viện đã chủ động thu thập dữ liệu/tài liệu số; xây dựng các chính sách để truy cập, chia sẻ, và sử dụng lại dữ liệu; tiến hành xử lý, lưu trữ và bảo tồn, quản lý dữ liệu; truyền thông, tổ chức cho mọi đối tượng bạn đọc sử dụng. Sự phát triển công nghệ cũng giúp các bạn đọc có điều kiện kết nối và tiếp cận được nguồn tài liệu từ những bộ sưu tập số trên thế giới, tiếp cận với các nguồn thông tin quốc tế có giá trị, được đảm bảo bởi các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà học thuật trình độ cao và uy tín trên thế giới thuộc tất cả các lĩnh vực nghiên cứu.
NHIỀU THÁCH THỨC
Cách mạng công nghệ 4.0 tạo ra những cơ hội lớn, nhưng cũng đặt ra cho ngành Thư viện nhiều thách thức phải đối mặt. Nếu không đổi mới phương thức hoạt động, các thư viện sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu và gia tăng khoảng cách so với cộng đồng thư viện thế giới. Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, với tốc độ thay đổi chóng mặt của khoa học công nghệ như hiện nay, các thư viện nếu không thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ và phương thức hoạt động, chắc chắn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vắng bạn đọc và không thể hoàn thành sứ mệnh của mình là cung cấp thông tin, tri thức một cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, nếu không xây dựng được nguồn lực thông tin phong phú, đặc biệt là xây dựng bộ sưu tập số với một hệ thống các cơ sở dữ liệu cùng với các siêu dữ liệu (metadata) có khả năng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, thư viện sẽ mất vị thế của mình với vai trò là nơi cung cấp thông tin và tri thức.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, do thiếu ngân sách, việc bổ sung tài liệu điện tử và vốn tài liệu điện tử trong các thư viện còn nhiều hạn chế. Vốn tài liệu điện tử/tài liệu số của các thư viện ở Việt Nam nhìn chung còn nghèo nàn, gần 20% thư viện công cộng chưa có tài liệu số, số còn lại mặc dù đã có nhưng còn hạn chế. Cách mạng công nghệ 4.0 cũng đặt ra thêm các thách thức về an toàn thông tin, về bảo mật thông tin đối với các thư viện. Trong đó, đảm bảo việc trao đổi dữ liệu an toàn giữa các hệ thống, đảm bảo chất lượng và sự trong sạch của dữ liệu… cũng là những thách thức cần được giải quyết. Vấn đề bản quyền trong số hóa tài liệu, cung cấp tài liệu cho bạn đọc cũng là một khó khăn đối với các thư viện hiện nay. Bên cạnh đó, môi trường thư viện hiện đại cũng đòi hỏi nhân viên thư viện phải nâng cao trình độ, kỹ năng ngoài các vụ thư viện thông thường.
Một thách thức nữa là nhận thức về thư viện và vai trò của thư viện tại Việt Nam còn nhiều bất cập. Nhiều lãnh đạo các ngành, địa phương còn xem nhẹ vai trò của thư viện. Thậm chí, có nơi còn cho rằng, thư viện chỉ tồn tại dưới dạng thư viện số và không cần những tài liệu in truyền thống nữa, hoặc chỉ cần tạo bộ sưu tập cho thư viện để bạn đọc truy cập từ xa mà không cần tổ chức không gian đọc cho người sử dụng…
Cách mạng công nghệ 4.0 còn tiếp tục diễn ra với sự bùng nổ về số lượng các sáng kiến, phát minh công nghệ. Các thư viện sẽ còn phải đối mặt với những cơ hội và thách thức, yêu cầu các thư viện phải có sự đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ theo các mô hình mới, theo xu hướng tiện ích, sáng tạo, đa chức năng… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, để thư viện tồn tại, phát triển trong giai đoạn hiện nay.