Những nút thắt của thư viện số

Thư viện số Việt Nam đã trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, tuy nhiên vẫn chưa có Luật Thư viện để tạo hành lang pháp lý, các quy định cần thiết để thúc đẩy sự phát triển thư viện số, thúc đẩy văn hóa đọc số của Việt Nam.

Có rất nhiều bất cập trong phát triển thư viện số, đặc biệt là 3 vấn đề nổi cộm đang rất cần có hành lang pháp lý quy định và khai thông. Thứ nhất là số hóa tài liệu. Hiện nay các thư viện của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và chưa rõ ràng về mặt pháp lý đối với ràng buộc quyền hạn số hóa tài liệu có trong thư viện. Chính vì vậy đa phần thư viện chưa dám số hóa toàn bộ sách, báo, tài liệu in… trong thư viện mình. Nếu có số hóa thì vẫn chưa rõ là thư viện có phạm luật sở hữu trí tuệ hay không. Bởi theo Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ ban hành năm 2005, sửa đổi năm 2009: “Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử”.

Như vậy việc số hóa tài liệu trong thư viện đươc hiểu là “sao chép” theo Luật Sở hữu trí tuệ. Quy định này được xem là hạn chế lớn nhất, “nút thắt” đối với việc xây dựng, phát triển thư viện số tại Việt Nam hiện nay. Vì vậy, xem xét, giải quyết dứt điểm “nút thắt” được xác định là điểm cuộc “cách mạng” trong dự thảo Luật Thư viện.

Thứ hai là thư viện số dùng chung. Xây dựng và phát triển một hệ thống thư viện số dùng chung, kết nối toàn bộ các thư viện số dữ liệu lớn (BigData) tạo ra cổng thông tin tri thức thư viện số thống nhất, tìm kiếm và sử dụng tài nguyên số thống nhất được tổ chức và quản trị theo công nghệ thư viện số tiên tiến tiêu chuẩn thế giới, bạn đọc có thể truy cập và sử dụng trên máy tính, thiết bị di động, smartphone… giúp thúc đẩy văn hóa đọc cũng như nghiên cứu – đào tạo, sáng tạo tri thức.

Các thư viện số Việt Nam đều có kho dữ liệu số của riêng mình, tuy nhiên để kết nối đồng bộ dữ liệu với nhau, phát huy kết nối – chia sẻ – sử dụng chung kho dữ liệu của các thư viện, qua đó tiết kiệm tài chính – thời gian – nhân lực, là điều khó khăn, liên quan đến chính sách chia sẻ nguồn dữ liệu, các chuẩn công nghệ – dữ liệu chia sẻ, đặc biệt là yếu tố pháp  lý. Nhiều thư viện đầu ngành, có khả năng về nhân lực, công nghệ… nhưng chưa có hành lang pháp lý để tạo điều kiện liên kết kho dữ liệu dùng chung; cũng chưa có quy định hướng dẫn đầu tư tài chính từ các cơ quan thuộc chính phủ, các bộ… cho các thư viện đầu mối này.

Thứ ba, thư viện số cần phải có các chuyên gia thư viện số, quản trị thông tin – tri thức có đủ kiến thức và kỹ năng thư viện số hiện đại, tiên tiến để xây dựng – phát triển và quản trị thư viện số. Tuy nhiên, chương trình nghiên cứu, đào tạo, mức lương cao phù hợp với nghề thư viện số vẫn chưa được luật hóa để làm kim chỉ nam tạo điều kiện pháp lý để các cơ sở nghiên cứu – đào tạo thư viện số phát triển, công nhận chức danh mới nghề thư viện số hay chuyên gia quản trị thông tin – tri thức và mức lương cao dành cho chức danh này vẫn chưa có trong luật định… Vì thế, trong Luật Thư viện sắp ban hành cần có điều khoản như: “Chú trọng đầu tư và phát triển các trung tâm nghiên cứu – đào tạo thư viện số, hiện đại hóa và ứng dụng các công nghệ tiên tiến cho thư viện và đào tạo nguồn nhân lực thư viện số, quản trị thông tin – tri thức hiện đại phù hợp với tiến bộ về lĩnh vực thư viện số trên thế thế giới”.

Tóm lại, pháp lý hóa các vấn đề Số hóa tài liệu – Thư viện số dùng chung – Nhân lực thư viện số sẽ giúp khai thông, phá vỡ các bế tắc đang cản trở phát triển của thư viện số Việt Nam hiện nay và tương lai.

TS. Nguyễn Hoàng Sơn