Xuất phát từ thực trạng này, cuối tháng 10/2019, trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH)  chính thức triển khai ứng dụng LIBHUTECH với nhiều tính năng hữu ích, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm tài liệu của sinh viên.

Hệ sinh thái thư viện” nằm gọn trong chiếc smartphone!

Có mặt hai hệ điều hành phổ biến nhất là Android và iOs, ứng dụng LIBHUTECH gồm nhiều tiện ích như tìm tài liệu (sách, báo, tạp chí, luận văn, luận án,…), mượn tài liệu, gợi ý tài liệu theo ngành học, đọc trực tuyến đối với các tài liệu số. Chỉ với chiếc smartphone, sinh viên HUTECH có thể truy cập vào hệ thống thư viện của trường và đọc trực tuyến hơn 70.000 tài liệu số dù đang ở bất kỳ đâu.

Một tính năng khác đặc biệt hữu ích của LIBHUTECH là danh mục tài liệu theo ngành học. Theo đó, do sinh viên mỗi ngành học đều có mã số sinh viên khác nhau nên khi chọn tính năng Ngành học, ứng dụng sẽ cung cấp chính xác danh mục tài liệu cần thiết cho từng học phần và trong suốt chương trình đào tạo của sinh viên, đồng thời cũng có thể lọc tài liệu theo từ khóa mong muốn.

Chẳng hạn, với từ khóa Cơ sở văn hóa Việt Nam, LIBHUTECH sẽ truy xuất tất cả tài liệu có liên quan đến môn học này hiện có tại thư viện, bao gồm sách in, tài liệu số, báo – tạp chí, khóa luận tốt nghiệp, luận văn,… cùng các thông số cần thiết như vị trí xếp giá, xếp kho. Với hơn 50.000 đầu sách, 8.000 đầu báo và tạp chí khoa học hiện có tại Thư viện HUTECH, ứng dụng LIBHUTECH đóng vai trò “công cụ tìm đường” hiệu quả để sinh viên dễ dàng sử dụng thư viện phục vụ học tập.

Đơn giản hóa quy trình mượn – trả, kích thích văn hóa đọc

Bên cạnh hệ thống tính năng nhằm tối ưu hóa quy trình khai thác tài nguyên thư viện, LIBHUTECH còn đơn giản hóa các thủ tục mượn – trả tài liệu của thư viện chỉ với vài thao tác “chạm màn hình”. Chỉ cần độc giả quét mã vạch của tài liệu bằng ứng dụng, các tài liệu này sẽ được chuyển vào giỏ sách ảo và được thủ thư xác nhận bằng cách quét mã vạch tài khoản độc giả. Thủ tục mượn – trả chỉ mất vài chục giây thay vì phải xuất trình thẻ sinh viên (hoặc thẻ thư viện), ghi phiếu và ký mượn, ký trả như trước đây.

Dùng thư viện bằng smartphone - “ứng dụng 4.0” thiết thực trong trường đại học - ảnh 1
Đơn giản hóa quy trình mượn – trả sách chỉ với vài thao tác “chạm màn hình

Ông Hoàng Ngọc Tuấn – Giám đốc Thư viện HUTECH cho biết: “Hầu hết tiện ích của cuộc sống hiện nay đều được thực hiện qua ứng dụng di động, đặc biệt các bạn sinh viên coi điện thoại là vật bất ly thân. App thư viện là công cụ tất yếu phải có để thư viện theo kịp xu thế này, tạo sự tiện lợi tối đa cho sinh viên khi tìm kiếm tài liệu phục vụ học tập cũng như khi sử dụng thư viện nói chung. Khắc phục những hạn chế của thư viện truyền thống cũng là cách để thư viện hấp dẫn sinh viên hơn, góp phần định hướng và kích thích văn hóa đọc của giới trẻ”.

Ứng dụng 4.0 – bước chuyển mình của thư viện truyền thống

Trải nghiệm phiên bản đầu tiên của LIBHUTECH, Phạm Thi (sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện) chia sẻ: “Ứng dụng này có thể chạy trên hệ điều hành Android và iOS nên phù hợp cho tất cả các điện thoại mà sinh viên hiện nay đang dùng. Ngoài ra, cách phân loại tài liệu theo môn học giúp em chủ động hơn rất nhiều, có thể mở rộng phạm vi đọc chứ không chỉ dựa vào danh mục tài liệu mà giảng viên giới thiệu trong lớp”.

Dùng thư viện bằng smartphone - “ứng dụng 4.0” thiết thực trong trường đại học - ảnh 2
Sinh viên HUTECH mượn sách tại thư viện bằng việc sử dụng app LIBHUTECH

Còn với Thanh Phong (sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô) thì “Khi cài đặt ứng dụng này thì sinh viên có thể mượn ở sách ở thư viện trụ sở và trả sách ở khu E (tức Trung tâm Đào tạo nhân lực chất lượng cao HUTECH) nếu muốn, và mượn – trả sách đều nhanh hơn chứ không phải mất nhiều thời gian như trước đây”.

Được biết, LIBHUTECH là ứng dụng thư viện đầu tiên ở Việt Nam. Ngoài ra, dựa trên thế mạnh của hệ thống thư viện điện tử mà HUTECH xây dựng trong thời gian, ứng dụng LIBHUTECH được thiết kế với lộ trình cập nhật dữ liệu liên tục, giúp cán bộ – giảng viên – sinh viên tiếp cận với tri thức mới nhất. Mô hình “thư viện trong smartphone” này cũng được kỳ vọng là cú hích giúp hệ thống các thư viện trường đại học năng động hơn, thân thiện hơn với sinh viên.