Tổ chức thuyết trình sách theo chủ đề cho sinh viên tại các trường đại học *
Tóm tắt: Thuyết trình là một trong những kỹ năng quan trọng trong kỹ năng mềm của sinh đại học. Tổ chức thuyết trình sách theo chủ đề cho sinh viên nhằm tăng khả năng thực hành và vận dụng kiến thức đã học trong chương trình đào tạo của các trường đại học. Thuyết trình sách theo chủ đề là việc tuyên truyền, giới thiệu sách, thư viện đến với sinh viên và người đọc các trường đại học. Bài viết nhằm khái quát về vai trò của thuyết trình sách theo chủ đề, tình hình đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền thư viện trường đại học. Đồng thời, đưa ra quy trình tổ chức, tổ chức thực hiện thuyết trình sách theo chủ đề và đưa ra khuyến nghị, đề xuất.
Từ khoá: Tổ chức thuyết trình; thuyết trình sách theo chủ đề; sinh viên; Trường đại học
ORGANIZING BOOK PRESENTATIONS BY THEME FOR STUDENTS AT UNIVERSITIES
Abstract: Presentation is one of the important soft skills of college students. Organizing book presentations by topic for students to increase their ability to practice and apply knowledge learned in university training programs. Thematic book presentations are the propaganda and introduction of books and libraries to students and readers at universities. The article aims to generalize the role of book presentations by topic and the situation of diversifying university library propaganda activities. At the same time, it provides a process for organizing and organizing book presentations by topic and gives some recommendations and suggestions
Keywords: Organizing presentations; book presentations by topic; students; University
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong các thư viện trường đại học, song song với nhiệm vụ thu thập, lưu trữ, tổ chức khai thác và phục vụ tài nguyên thông tin thì tuyên truyền giới thiệu sách đượ xem là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và ý nghĩa, giúp bạn đọc tiếp cận được với kho tài nguyên thông tin của thư viện đại học. Đây không những là một hoạt động nghiệp vụ, là cầu nối giữa thư viện với bạn đọc, giúp cho thư viện thực hiện chức năng định hướng, dẫn dắt việc đọc và góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong người đọc đực biệt là sinh viên. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là việc tổ chức thông tin đến với người đọc của thư viện đại học là tổ chức thông tin, tuyên truyền, giới thiệu vốn tài liệu thư viện, tham gia xây dựng và hình thành thói quen đọc sách, đến với cán bộ, giảng viên và sinh viên – đối tượng đọc của thư viện đại học. Tuyên truyền giới thiệu tài liệu trong thư viện giúp cho người đọc ngày càng biết đến các dịch vụ và sản phẩm thông tin của thư viện, từ đó xây dựng thói quen đọc tài liệu, phát triển văn hóa đọc cho mọi tầng lớp nhân dân, qua đó hỗ trợ bạn đọc định hướng lựa chọn tài liệu, phổ biến thông tin khoa học, tuyên truyền về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thuyết trình sách theo chủ đề là một trong những hình thức tuyên truyền giới thiệu sách và thư viện đòi hỏi vận dụng rất nhiều kiến thức và các kỹ năng mềm của sinh viên. Việc tổ chức các cuộc thi thuyết trình là cơ sở để đánh giá các kiến thức liên môn của sinh viên trong chương trình đào tạo của trường đại học. Thi thuyết trình sách theo chủ đề cũng là sân chơi hoạt động ngoại khóa của sinh viên. Đồng thời, thuyết trình sách theo chủ đề cũng tạo ra sân chơi trí tuệ cho sinh viên sau những giờ lên lớp trên giảng đường. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến văn hoá đọc nói chung và sinh viên đại học nói riêng khi mỗi chúng ta có nhiều cách lựa chọn tiếp cận thông tin với nhiều kênh thông tin đa dang khác nhau. Cuộc thi thuyết trình sách theo chủ đề là tiếng nói của sinh viên nhằm lan toả tình thân văn hoá đọc – “đại sứ văn hoá đọc” trong các trường đại học.
1. KHÁI NIỆM
Thuyết trình
Thuyết trình là trình bày nội dung một vấn đề nào đó để truyền đạt thông tin đến người nghe nhằm mục đích giú người nghe hiểu, thuyết phục họ nghe theo hoặc làm theo [Lê Thị Hồng Vân, Phạm Thị Ngọc Thuỷ, 2020]
Thuyết trình là trình bày bằng lời trước nhiều người về một vấn đề nào đó nhằm cung cấp thông tin hoặc thuyết phục, gây ảnh hưởng đến người nghe [Nguyễn Thị Thế Bình và cộng sự, 2022].
Tuyên truyền giới thiệu sách
Công tác tuyên truyền giới thiệu sách là một hoạt động nghiệp vụ giúp cho thư viện thực hiện chức năng định hướng, dẫn dắt việc đọc và góp phần quan trọng trong việc xây dựng con người mới, nền văn hoá mới, xã hội mới; là cầu nối thư viện với bạn đọc.
Công tác tuyên truyền giới thiệu sách thể hiện rõ tính chủ động, tính khoa học, tính sáng tạo của công tác thư viện. Công tác tuyên truyền giới thiệu sách đòi hỏi cán bộ tuyên truyền phải có trình độ văn hoá nhất định, tư tưởng vững vàng, nhạy bén về chính trị, biết vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền giới thiệu sách mới đạt được hiệu quả cao [Trần Xuân Chỉnh, 2016].
Thuyết trình sách theo chủ đề
Thuyết trình sách theo chủ đề là một hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách trực quan trước đám đông. Thuyết trình sách theo chủ đề là việc tổ chức thuyết trình sách được lựa chọn theo một chủ đề được ban tổ chức đưa ra trước để người thuyết trình định hướng, lựa chọn cuốn sách yêu thích theo chủ đề được đề ra trước. Thuyết trình sách theo chủ đề có thể sử dụng tổng thể các kỹ năng thuyết trình bằng thông tin và hình ảnh trình chiếu của cuốn sách lựa chọn thuyết trình.
2. VAI TRÒ CỦA THUYẾT TRÌNH SÁCH THEO CHỦ ĐỀ
Phát triển văn hóa đọc của sinh viên đang học tập các trường đại học, tạo một môi trường lành mạnh thúc đẩy văn hóa đọc đến với mọi người. Thuyết trình sách theo chủ đề là cuộc thi giúp cho sinh viên nhận thức tích cực về việc đọc sách. Đọc sách không chỉ giúp sinh viên nâng cao kiến thức chuyên môn nói riêng mà còn bổ sung rất nhiều kiến thức xã hội để tự tin trong cuộc sống và công việc.
Khi sinh viên theo học tại các trường đại học, trong học tập, thuyết trình là một kỹ năng bắt buộc với sinh viên trong hầu hết các môn học. Việc hoàn thiện các bài tập lớn, các bài seminar cũng đòi hỏi sinh viên có các kỹ năng cơ bản về thuyết trình để diễn đạt vấn đề và trình bày các vấn đề trước giảng viên và các bạn, các nhóm sinh viên khác.
Khuyến khích phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong các trường đại học. Từ đó, nâng cao trình độ, chất lượng đào tạo của nhà trường trong giai đoạn đất nước đổi mới và hội nhập.
Tạo môi trường thân thiện, lành mạnh để sinh viên có điều kiện giao lưu học hỏi, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt là nâng cao hiệu quả các phương pháp tự học.
Tạo ra một không gian, không khí trí tuệ và bổ ích từ đó thúc đẩy phong trào đọc sách của người đọc trong trường đại học.
Tạo cơ hội cho sinh viên thể hiện năng lực thuyết trình của bản thân. Ngoài kiến thức chuyên ngành của các chương trình đào tạo thì các hoạt động ngoại khóa có ý nghĩa thực tiễn giúp sinh viên có thêm những kỹ năng mềm. Thuyết trình là một kỹ năng mềm quan trọng giúp sinh viên làm quen song song với kiến thức chuyên ngành, kỹ năng qua trọng sau khi tốt nghiệp đại học.
3. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN, GIỚI THIỆU THƯ VIỆN Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC
Văn hoá đọc nói chung và văn hoá đọc của sinh viên trong những năm gần đây đã được các cơ quan nhà nước, các trường đại học quan tâm. Các trường Đại học đã quan tâm và đầu tư cho thư viện đáp ứng với nhu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các thư viện đại học được đầu tư khang trang từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài nguyên thông tin và các phần mềm quản lý hiện đại như Trung tâm tri thức và thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, Thư viện truyền cảm hứng của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Thư viện Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Trường Đại học Việt Đức, Thư viện Trường Đại học Vinh…
Cùng với việc đầu tư về cơ sở vật chất trang thiết bị thì các chính sách phát triển thư viện cũng đã được quan tâm, đặc biệt là văn hoá đọc và văn hoá đọc của sinh viên. Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Các trường đại học cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền và quảng bá văn hoá đọc đến với sinh viên như tổ chức cho sinh viên thi “đại sứ văn hoá đọc” do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức. Các trường đại học rất tích cực tổ chức cuộc thi này như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Huế, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội…
Ngoài tổ chức cuộc thi đại sứ văn hoá đọc, các trường đại học cũng đã tổ chức các hoạt động tuyền tuyền giới thiệu sách và hoạt động thư viện. Các trường đại học đã đang dạng các hình thức tuyên truyền như tổ chức thi thuyết trình sách theo chủ đề như Trường Đại học Duy Tân tổ chức Cuộc thi thuyết trình “Sách mở ra trước mắt tôi một chân trời mới” năm 2009; Thư viện Trường Đại học Hà Tĩnh tổ chức thi thuyết trình sách theo chủ đề “Sách – Chìa khóa thành công” năm 2015, “Sách mở ra trước mắt tôi một chân trời mới” năm 2023; Thư viện Trường Đại học Tân Trào tổ chức “Thiết kế bìa sách”, thi thuyết trình với chủ đề “Cuốn sách tôi yêu”; Trường Đại học kinh tế TP. HCM tổ chức thi thuyết trình “Những cuốn sách đổi đời”; Học viện Bưu chính Viễn Thông tổ chức thi thuyết trình “Những cuốn sách của tuổi trẻ”,…
4. QUY TRÌNH TỔ CHỨC THUYẾT TRÌNH SÁCH THEO CHỦ ĐỀ
4.1. Lựa chọn chủ đề
Chuyển đổi số đang diễn ra mau lẹ, điều đó tác động đến việc tiếp cận thông tin và văn hoá đọc của xã hội và đặc biệt tác động mạnh mẽ đến văn hoá đọc của sinh viên. Nhìn nhận vấn đề văn hoá đọc là một trong những cách để chúng ta quan tâm tuyên truyền văn hoá đọc dưới nhiều hình thức khác nhau.
Thuyết trình sách theo chủ đề tại các thư viện đại học cho sinh viên là hình thức không mới nhưng đáp ứng được nhiều yêu cầu đặt ra cho sinh viên với nhiều khối kiến thức và kỹ năng. Tổ chức thuyết trình sách theo chủ đề là cách để những người tổ chức lựa chọn những chủ đề cập nhật, hay, mới và ngắn gọn, súc tích. Để cuốn hút và lôi cuốn sinh viên tham gia cuộc thi thuyết trình thì chủ đề tạo sức lan tỏa. Chủ đề thường là những câu danh ngôn, câu nói hay gắn liền với văn hoá đọc của sinh viên như: “Sách – Chìa khóa thành công”, “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”, “Sách làm thay đổi cuộc đời”. Chủ đề hay, ngắn gọn súc tích sẻ là điểm nhấn để sinh viên lựa chọn những cuốn sách hay phù hợp để thuyết trình.
4.2. Xây dựng kế hoạch
Xây dựng kế hoạch là tổng hợp các hoạt động, công việc, nguồn lực và thời gian để đạt được mục tiêu. Xây dựng kế hoạch thuyết trình sách theo chủ đề là công việc đảm bảo trình tự các bước thực hiện và đảm bảo sự thành công của cuộc thi cũng như lộ trình các công việc diễn ra của sự kiện.
Thời gian và địa điểm: Thời gian tổ chức thường vào các dịp Ngày sách Việt Nam 21/4 và Ngày sách và Bản quyền thế giới, hoặc tổ chức vào các ngày lễ: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12… Tổ chức các sân khấu ngoài trời kết hợp với các hoạt động khác như trưng bày sách, hội chợ hoặc tổ chức ở hội trường của các trường đại học.
Nội dung và hình thức thi thuyết trình sách theo chủ đề
– Nội dung thi thuyết trình: Căn cứ vào lựa chọn chủ đề để chúng ta bám sát vào chủ đề để có những gợi ý nội dung để sinh viên lựa chọn cuốn sách thuyết trình phù hợp.
– Hình thức thuyết trình: Sinh viên thuyết trình, sử dụng những hình ảnh liên quan đến cuốn sách và qua màn hình máy chiếu trong thời gian không quá 7 phút; trả lời các câu hỏi của Ban Giám khảo liên quan đến nội dung thuyết trình trong khoảng từ 3-5 phút. Thông qua nội dung và hình thức tổ chức thi thuyết trình chúng ta lồng ghép các yêu cầu thể lệ cuộc thi để đảm bảo giữa hình thức và nội dung thi thuyết trình sách theo chủ đề.
Cơ cấu giải thưởng: Đây cũng là phần quan trọng thu hút sinh viên tham gia. Cơ cấu giải do ban tổ chức quy định phù hợp với thực tế của từng đơn vị tổ chức cuộc thi. Các giải thưởng ấn định và các giải thưởng mở rộng để cuộc thi thêm ấn tượng hơn. Ban tổ chức cũng đưa ra các tiêu chí về hình thức và nội dung cũng như thang điểm chấm trong phiếu chấm để ban giám khảo có cơ sở chấm điểm, ngoài ra ban giám khảo đưa ra các câu hỏi phụ để hỏi thí sinh trong quá trình sinh viên thi thuyết trình.
Phân công các đơn vị cùng phối hợp tổ chức: Thư viện đại học sẽ là đơn vị tham mưu để giao các đầu việc liên quan đến kế hoạch cuộc thi đến từng khoa, phòng ban, trung tâm và các đoàn thể trong nhà trường thực hiện. Để cuộc thi có thêm nguồn kinh phí và quy mô ban tổ chức mời các nhà tài trợ tham gia như các nhà sách, các nhà xuất bản…
5. TỔ CHỨC THỰC HIỆN THUYẾT TRÌNH SÁCH THEO CHỦ ĐỀ
Thư viện đại học sẽ là đơn vị chủ trì xây dựng kế hoạch, thông báo cuộc thi và xây dựng thể lệ cuộc thi. Để cuộc thi thuyết trình đảm bảo chất lượng thời gian, ban tổ chức sẽ cho các bạn sinh viên tham gia của các khoa tổ chức thuyết trình cấp khoa nhằm lựa chọn những sinh viên xuất sắc nhất. Theo dõi và giám sát các khoa đào tạo tổ chức cuộc thi thuyết trình sách cấp khoa. Tuỳ thuộc vào quy mô đào tạo của tường trường để đưa ra chỉ tiêu chọ sinh viên tham gia vòng thi chung kết. Trước ngày thi chung kết ban tổ chức sẽ cho các bạn sinh viên bốc thăm thứ tự thuyết trình và cho thí sinh “chạy chương trình” để làm quen sân khấu và tạo môi trường làm quen trước cho thí sinh làm quen. Chuẩn bị các điều kiện từ chương trình, kịch bản, xây dựng trình chiếu lý lịch trích ngang của các thí sinh tham gia cuộc thi.
Trong quá trình thi thuyết trình đầu buổi thi có chương trình văn nghệ, các tiết mục văn nghệ khoảng 15 phút đầu buổi. Trong thời gian diễn ra thuyết trình ban tổ chức sẽ có các câu hỏi giao lưu liên quan đến thư viện, sách xen kẻ dành cho khán giả cùng với đó là các phần quà để tăng tính sôi động và sức thu hút sinh viên cùng tham gia của cuộc thi.
6. KHUYẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT
Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch cần đa dạng cuộc thi “đại sứ văn hoá đọc” bằng các hình thức thi khác nhau. Đưa thuyết trình sách theo chủ đề vào chương trình tổ chức thi của cuộc thi “đại sứ văn hoá đọc” hằng năm đến các trường đại học trong cả nước. Xem cuộc thi thuyết trình sách theo chủ đề cho sinh viên là một điểm nhấn và thế mạnh của các trường đại học cần được phát huy và triển khai sâu rộng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ngoài việc ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển thư viện đại học, cần có các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách và thư viện đa dạng. Hàng năm tổ chức các cuộc thi để thư viện đại học tham gia với mục đích giao lưu học hỏi và chia sẽ những cái hay trong hoạt động thư viện đại học. Xem thuyết trình sách theo chủ đề là cuộc thi hùng biện cho sinh viên các trường đại học vừa quảng bá hình ảnh thư viện, giới thiệu sách vừa là sân chơi phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên các trường đại học.
Các trường đại học hằng năm tổ chức Ngày sách Việt Nam 21/4, Sách và bản quyển thế giới 23/4 cần đa dạng hoá các hình tuyên truyền giới thiệu sách và thư viện. Lồng ghép, tổ chức các hoạt động ngày sách và đưa thuyết trình sách theo chủ đề trở thành các cuộc thi cấp trường và có thể tổ chức thường niên. Thi thuyết trình sách theo chủ đề nhằm tăng khả năng thuyết trình một kỹ năng cần thiết của kỹ năng mềm cho sinh viên và là sân chơi trí tuệ của sinh viên và lan toả văn hoá đọc đến với cộng đồng và sinh viên.
Các khoa đào tạo tăng cường phối hợp với thư viện đại học trong việc tuyên truyền, giới thiệu sách chuyên ngành và sách kỹ năng đến với sinh viên. Xem cuộc thi thuyết trình sách theo chủ đề là hoạt động ngoại khóa thường niên của khoa và là hoạt động ngoại khóa trong kế hoạch năm học và chương trình đào tạo của các trường đại học.
KẾT LUẬN
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm cho chung ta thay đổi cách tiếp cận thông tin và tiếp nhận thông tin từ nhiều kênh khác nhau. Văn hoá đọc của sinh viên trong các trường đại học cũng có nhưng đổi thay theo “công nghệ”. Tuyên truyền, giới thiếu sách, thư viện là một trong những kênh, hình thức quảng bá văn hoá đọc đến với cộng đồng và sinh viên các trường đại học. Việc đưa các phương thức tuyên truyền văn hoá đọc đến với sinh viên là một việc làm cần thiết trong chương trình đào tạo, văn hoá nhà trường và sứ mệnh của các trường đại học.
Thuyết trình sách theo chủ đề là hình thức tuyên truyền giới thiệu sách có nhiều ưu điểm nổi bật. Hình thức tuyên truyền này không những sinh viên phải yêu sách, am hiểu cuốn sách mình lựa chọn thuyết trình mà sinh viên cần vận dụng rất nhiều kiến thức chuyên ngành, liên môn và các kỹ năng mềm cần thiết của sinh viên đã được học từ nhà trường và chính từ cuộc sống ngoài xã hội. Thuyết trình sách theo chủ đề tạo nên một sân chơi trí tuệ cho sinh viên trong các trường đại học sau những giờ lên giảng đường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Thị Hồng Vân, Phạm Thị Ngọc Thuỷ (2020). Giáo trình kỹ năng nghiên cứu và lập luận. Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, 360 tr.
2. Nguyễn Thị Thế Bình, Vũ Thị Mai Hường, Nguyễn Thị Mai Lan, Kiều Phương Thùy (2022). Rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ sư phạm trong đào tạo giáo viên. Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 160 tr.
3. Trần Xuân Chính (2016). Công tác tuyên truyền giới thiệu sách trong hoạt động Thư viện. Truy cập từ: https://lienhiepthuvienmiendong.vn/vung-tau/Tin-tong-hop/Cong-tac-tuyen-truyen-gioi-thieu-sach-trong-hoat-dong-Thu-vien-36.html, ngày 11 tháng 12 năm 2023.
* Bài viết được đăng trên Tạp chí Thông tin và Tư liệu, số 3 tháng 6 năm 2024