Đừng biến thư viện thành kho sách, giáo viên thành nhân viên tạp vụ

LTS: Sau loạt bài về công việc và chế độ của nhân viên trường học đăng trên Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Hải Yến, nhân viên thư viện ở trường tiểu học tại Hà Nội đã có bài viết chia sẻ về công việc của mình.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Tôi là nhân viên thư viện ở trường tiểu học trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội.

Gần đây tôi có theo dõi nhiều bài trên quý báo viết về nghề thư viện trường học cũng như nhiều ý kiến bạn đọc xoay quanh vấn đề này.

Đầu tiên tôi rất cảm ơn các tác giả đã có những quan tâm dành cho nghề thư viện và những người làm thư viện trong trường học như chúng tôi. 

Với cương vị là người trực tiếp làm việc, gắn bó với nghề đã hơn 10 năm, tôi cũng xin được bày tỏ những trăn trở của mình về vấn đề này, không nhằm mục đích gì ngoài việc mong các lãnh đạo ban ngành quan tâm để khi chính thức thực hiện Luật Giáo dục mới thì Thư viện trường học được trở về đúng với chức năng và nhiệm vụ vốn có của nó.

Tại sao ở nước ngoài chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những bạn trẻ đứng đọc sách ở bất kì đâu: nhà ga, nhà chờ xe bus, trên tàu điện ngầm… nhưng ở Việt Nam thì không?

Bởi lẽ trẻ em ở nước ngoài được tiếp xúc với văn hóa đọc và rèn luyện văn hóa đọc từ rất sớm. Các nhà trường luôn quan tâm chú trọng xây dựng thư viện và các hoạt động thư viện.

Như chúng ta đã biết ở nước ta hiện nay, yêu cầu tối thiểu cho một trường học đạt chuẩn quốc gia là phải có thư viện đạt chuẩn.

Vai trò của thư viện do vậy cũng được nâng cao hơn trước đây.

Theo thống kê, Thành phố Hà Nội có hơn 1000 thư viện đạt chuẩn trên khoảng hơn 1000 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Nhưng thử hỏi trong số đó có bao nhiêu thư viện nhà trường hoạt động thực sự hiệu quả hay nó vốn chỉ tồn tại như một nhà kho của nhà trường?

 

Là nhân viên thư viện, tôi xin đưa ra đáp án cho câu hỏi này: Theo QĐ 01/2003/QĐ-BGDĐT năm 2003 về tiêu chuẩn Thư viện trường phổ thông quy định 5 tiêu chuẩn của thư viện đạt chuẩn, ở tiêu chuẩn 3 và 4 về nghiệp vụ và tổ chức và hoạt động thư viện, cụ thể là ở trường tôi – để được cộng nhận thư viện chuẩn cấp quốc gia thì công việc phải làm như sau:

– Trường có 25 lớp, tương đương mỗi tuần có 25 tiết hoạt động thư viện: nhiệm vụ phải làm là soạn giáo án, lên chương trình cho 25 tiết hoạt động đó (nhiều hơn số tiết tối thiểu theo quy định của 1 giáo viên tiểu học).

– Ít nhất mỗi tháng 1 lần, viết 1 bài giới thiệu sách (kèm cả bài trình chiếu powerpoint và giới thiệu trước giáo viên, học sinh.

– Mỗi học kì phải xây dựng kế hoạch và tổ chức trưng bày triển lãm sách ít nhất 1 lần, nếu không phải 2 lần/học kì.

– Xây dựng 1 thư mục chuyên đề cho giáo viên và học sinh ít nhất 1 thư mục/học kì.

– Kèm theo đó là các loại sổ sách đi kèm phải cập nhật đầy đủ kịp thời theo quy định.

– Đầu năm học: xây dựng kế hoạch bổ sung sách, báo còn thiếu cho cả năm.

Khi sách báo mới được nhập về thì đóng dấu, dán nhãn, phân loại, vào sổ… nói chung là thực hiện các nghiệp vụ thư viện (phần này có hỗ trợ của tổ công tác thư viện, nhưng cũng có trường được hỗ trợ, có trường không).

– Cuối năm học thì kiểm kê kho sách, báo cáo.

– Ngoài ra hàng tuần phải lau dọn, vệ sinh các giá sách, tủ sách theo định kì để đảm bảo thư viện sạch sẽ, thoáng mát.

– Chưa kể những cuộc thi như: Thiếu nhi giới thiệu sách hè, kể chuyện theo sách…thì người cán bộ thư viện phải viết bài, chuẩn bị đạo cụ để học sinh chỉ việc diễn.

Đây mới chỉ là những công việc về chuyên môn, ngoài ra tôi tin chắc đại đa số nhân viên thư viện nhà trường đều phải kiêm thêm các việc như: phụ trách văn thư, công nghệ thông tin và cả tạp vụ, nếu cần.

Cụ thể như tôi đây 12 năm trong nghề, vừa làm công tác thư viện, vừa phụ trách các phần mềm của nhà trường (esam, CSDL ngành, phần mềm phổ cập, tuyển sinh đầu cấp), quét dọn văn phòng khu hiệu bộ, đun nước, rửa chén… 

Với những công việc như trên, 12 năm trong nghề nhưng cũng mới 5 năm biên chế thì mức lương của tôi hiện nay là: 2,06 x 1.490.000 (đồng).

Sau khi trừ bảo hiểm thì lương thực lĩnh của tôi là: 2.747.113 đồng (chưa bằng lương giáo viên tập sự).

Ngoài ra tôi cũng không được hưởng phụ cấp độc hại như quy định tại Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT ngày 21/2/2006 của Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Tôi cũng có ý kiến xin hỗ trợ thêm kinh phí vì công việc kiêm nhiệm nhiều thì Hiệu trưởng trả lời: vì là trường loại 2 không có đủ nhân viên phục vụ nên phải kiêm nhiệm, trường không có kinh phí chi trả. 

Như vậy nếu thư viện hoạt động có hiệu quả đúng theo quy định thì nhân viên thư viện có vất vả hay không? Tôi chắc chắn là Có.

Còn một số các bạn nói không vất vả bởi thư viện chỗ các bạn chỉ đang tồn tại như một kho chứa sách mà thôi.

Theo Quyết định 61/1998/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của Thư viện trường phổ thông, Tại điều 7: quy chế về tổ chức hoạt động thư viện trường phổ thông quy định:

“Để thực hiện những nhiệm vụ của nười làm công tác thư viện, giáo viên phụ trách công tác thư viện phải tốt nghiệp sư phạm từ trung học trở lên và được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thư viện.

Nếu là người phụ trách thư viện được đào tạo từ các trường nghiệp vụ thư viện, thông tin văn hóa thì phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên phụ trách công tác thư viện”.

Theo Điều lệ trường tiểu học, trung học cơ sở thì nhân viên thư viện được xếp sinh hoạt cùng tổ chuyên môn nhưng tôi và đa số các nhân viên khác đều được xếp ở tổ văn phòng để tiện phục vụ cho các công việc hành chính khác của nhà trường.

Tôi thiết nghĩ để cải tạo được lối mòn này là rất khó nhưng với các quy định và công việc cụ thể như trên thì rõ ràng, người cán bộ thư viện cần phải có vị trí như một giáo viên thư viện, được sắp xếp đúng vị trí việc làm chứ không phải một nhân viên tạp vụ trong tổ hành chính. 

Bởi người cán bộ thư viện chính là linh hồn của thư viện. Muốn thư viện hoạt động tốt và các hoạt động của thư viện thực sự mang lại hiệu quả tôi cũng mạnh dạn xin đưa ra một số đề xuất sau:

– Kính mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có sự phối hợp, nhất quán giữa các văn bản để hoạt động của thư viện trường học là hoạt động sống, thiết thực, mỗi nhà trường phải sắp xếp và coi thư viện là trung tâm sinh hoạt văn hóa, khoa học của trường.

– Sắp xếp đưa vị trí việc làm của cán bộ thư viện trường học thành giáo viên thư viện, được hưởng đầy đủ phụ cấp đặc thù nghề như giáo viên đứng lớp.

(Hiện tại ở trường tôi, tiết hoạt động thư viện được đưa vào thời khóa biểu buổi 2 như một tiết học chính thức. Đây là trọng tâm mới nhất của hoạt động thư viện trường học hiện nay).

Trong thời đại cải cách giáo dục đang rất được coi trọng như hiện nay thì việc giúp bạn đọc tiếp cận và nâng cao văn hóa đọc cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng của thư viện trường học nói riêng và của ngành Giáo dục nói chung.

Kính mong các cấp lãnh đạo quan tâm xem xét cho các nhân viên trường học đặc biệt là nhân viên thư viện trong đợt cải cách chính sách tiền lương năm 2021 để họ yên tâm công tác, cống hiến và để mỗi thư viện trường học xứng đáng là trung tâm văn hóa của nhà trường.

Nguyễn Thị Hải Yến
Nguồn: https://giaoduc.net.vn/