Thói quen đọc sách của Chủ Tịch Hồ Chí Minh

Đọc sách không chỉ lấp đầy khoảng thời gian rảnh rỗi, nó còn giúp chúng ta có thêm rất nhiều kiến thức mới, phục vụ cho cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thực hiện rất nhuần nhuyễn quan điểm này, với thời gian đọc sách của Người khiến mọi người phải nể phục.

Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam ngày 1 tháng 9 năm 1961, Hồ Chủ tịch đã nói: “Về văn hoá tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông: 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađio lần đầu”. Ấy vậy mà chúng ta luôn thấy hình ảnh một người xuất hiện với sự hiểu biết vô cùng sâu sắc về mọi phương diện. Nhà nghiên cứu Vasiliep đã nhận xét: “Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”.

Đạt được tầm hiểu biết ấy là nhờ Hồ Chủ tịch đã không ngừng học tập, đọc các loại sách, báo. Năm 1961, khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm, Hồ Chủ tịch tâm sự: “tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học… Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Và với Bác, nguyên lý và phương thức học được tóm gọn trong mấy câu sau: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”.

Truyền thống gia nho của gia đình đã có ảnh hưởng lớn tới thói quen và sở thích đọc sách của Người. Với Người, đọc sách không chỉ đơn thuần là để giải trí hay để giải quyết các công việc sự vụ, nâng cao các hiểu biết thông thường, đọc để phục vụ cách mạng với những khao khát đã hình thành và được người nuôi dưỡng từ nhỏ.

Sách là “thuốc chữa tội ngu” và là một trong những nguồn quan trọng có thể đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi tự do, bình đẳng, bác ái là gì? Từ những thắc mắc đầu tiên ấy về sau cũng chính nhờ sách, báo Bác đã tìm ra con đường cứu nước cứu dân và hình ảnh “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin” đã đi vào lịch sử.

Người đọc sách bằng phưởng pháp kết hợp đọc và ghi chép phân loại thông tin. Bác có thói quen khi đọc, ngón tay đưa theo dòng, mắt dõi theo, chỗ nào có vấn đề chú ý thì dừng tay ghi chép hoặc đánh dấu để dễ nhận biết những chỗ cần chú ý, những số liệu và thông tin cần xử lý. Đọc báo, thấy gương người tốt muốn thưởng Huy hiệu, Bác dùng bút bi hoặc bút chì màu đỏ khuyên vào. Chỗ nào cần lưu ý, Bác đánh dấu gạch chéo (/); đánh dấu bằng chữ X và gạch chéo (X/) là chú ý dòng; (!) là lạ; có vấn đề chưa rõ ràng, còn nghi ngờ, Người đánh dấu chấm hỏi (?) và yêu cầu văn phòng xác minh lại. Đoạn nào cần xem kỹ, Bác đánh dấu gạch chéo và chấm phẩy (/;). Đã xem xong, Bác viết chữ V… Các đồng chí phục vụ cứ nhìn vào các ký hiệu đó là hiểu và thực hiện theo ý của Người. Người luôn chú trọng đến việc ghi chép, đánh dấu, gạch chân, đóng khung và thậm chí cắt gián. Với cường độ đọc cao, một ngày khoảng trên hai chục tờ báo trong và ngoài nước nếu không có những biện pháp đọc khoa học thì khó có thể nhớ và tổng hợp hết được các vấn đề và thông tin đã đọc.

Người khuyên chúng ta: “Muốn có nhiều tài liệu phải xem cho rộng… Xem được nhiều thứ báo chừng nào thì lấy được nhiều tài liệu chừng ấy”. Không chỉ là những người đọc để phục vụ công việc hàng ngày mới cần phải đọc, mà mỗi một người đều nên đọc sách để tăng thêm kiến thức và có những hiểu biết cho quyền lợi, nghĩa vụ của mình.

Người đã từng nhấn mạnh: “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu trong sách. Có vấn đề thông suốt thì mạnh dạn đề ra cho vỡ lẽ, đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt ra câu hỏi: “vì sao” đều phải suy nghĩ kỹ càng, xem nó có hợp với thực tế hay không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ cho chín chắn.”

“Dù xem được hàng ngàn quyển lý luận nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào cái hòm đựng sách”. Đọc, nghiền ngẫm và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống mới là vấn đề quan trọng. Chúng ta chỉ đọc sách mà không áp dụng gì được cho chính bản thân chúng ta hoặc với người khác thì không khác nào chúng ta ăn mà không tiêu, không hấp thụ được dưỡng chất vào cơ thể. Khi đó, sách cũng chỉ là đống giấy chứa chữ vô nghĩa mà thôi.

Ngày nay, chúng ta có rất nhiều phương tiện để có thể đọc sách, rất thuận tiện, vì thế việc đọc sách đáng nhẽ ra phải được phổ biến rộng rãi trên toàn xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển ấy đang đi ngược với số người đọc sách hiện tại. Học tập tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ là điều lạc hậu, cũ kĩ với những điều như thế này.