Nước non vạn dặm
NƯỚC NON VẠN DẶM’ là bộ tiểu thuyết lịch sử của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, một người con xứ Nghệ khắc họa hình tượng Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh cùng những trang sử bi hùng của dân tộc từ cuối thế kỷ 19 và hơn nửa đầu thế kỷ 20.
Tuy mới đi được một nửa chặng đường với tập I “Nợ nước non” và tập II “Lênh đênh bốn biển”, song bộ tiểu thuyết ‘NƯỚC NON VẠN DẶM’ của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ với mong muốn khắc họa đầy đủ, sinh động và lôi cuốn về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nội dung chứa đựng trong 4 chương của Tập I “Nợ nước non”, đã tái hiện lại khung cảnh lịch sử, xã hội của Việt Nam những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và quá trình lớn lên về sức vóc, về nhận thức và tư duy từ cậu bé Nguyễn Sinh Cung đến chàng trai Nguyễn Tất Thành trong lòng người đọc. Cuộc sống nơi quê nhà cũng như chốn kinh thành, khả năng quan sát cuộc sống, sự va chạm, tiếp xúc với nhiều đối tượng người, những người thầy, những nhà yêu nước, đặc biệt tiếp nhận kiến thức, tâm tư từ sự dạy dỗ của người cha là hành trang ban đầu để Nguyễn Tất Thành có thể dấn thân bước ra biển lớn.
Điều đặc biệt ở đây, trong cả 4 chương của tập I, tác giả chú tâm nghiên cứu sâu đến việc học của nhân vật chính. Từ trường làng với các người thầy là bạn của cha, tới tiểu học Pháp – Việt Vinh (Nghệ An), tiểu học Pháp – Việt Đông Ba (Huế), Quốc học Huế, Tiểu học Pháp – Việt Quy Nhơn (Bình Định), trường Dục Thanh (Phan Thiết), dù là học trò hay là người thầy, các môi trường giáo dục trên cũng là những nơi cậu bé Cung, chàng trai Nguyễn Tất Thành tiếp nhận kiến thức nhiều mặt về tự nhiên, xã hội. Đây là yếu tố căn cốt giúp hành trang của Văn Ba thêm vững chãi trên hành trình 30 năm đầy chông gai, thử thách tìm ra con đường cứu dân, cứu nước.
Đến với tập II “Lênh đênh bốn biển”, tác giả muốn khắc họa hình tượng Văn Ba – Nguyễn Ái Quốc từ khi rời Việt Nam đến Pháp, đi vòng quanh châu Phi, châu Mỹ, trở về Pháp với các hoạt động chính trị sôi nổi. Người gửi bản yêu sách đến hội nghị Véc Xây, đọc Sơ thảo Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và các vấn đề thuộc địa; tham dự Đại hội Tua; đến Liên Xô với những hoạt động chính trị quan trọng; trở về Quảng Châu, Trung Quốc; sang Thái Lan; rồi bị bắt ở Hồng Kông; đi Thượng Hải; trở lại Liên Xô và mùa Xuân 1941, Người trở về đất mẹ Việt Nam. Mỗi bước chân trên hành trình của Người, qua sáng tạo văn học, tác giả đã bám sát những sự kiện lịch sử gốc và sáng tạo văn học đi cùng. Tác giả giúp người đọc hình dung chuỗi câu chuyện về cuộc đời của Người vừa mộc mạc, bình dị, vừa vĩ đại, cao quý. Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc, qua sáng tạo văn học, đi vào trái tim người Việt Nam và bạn bè thế giới một cách tự nhiên, lôi cuốn, xúc động, bởi trước khi là một vĩ nhân, Người là một con người bình dị, khiêm nhường như triệu triệu người Việt Nam bình dị khác.
Tập I và Tập II của bộ sách “NƯỚC NON VẠN DẶM” hiện đã có tại Thư viện Trường Đại học Hà Tĩnh. Kính mời quý độc giả đón đọc để hiểu thêm cuộc đời và con đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta.