Thư viện “người” – khi cuộc đời mỗi người là một cuốn sách
Từ khoảng 20 năm nay, “Thư viện người” (Human library), xuất phát từ một sáng kiến đầy nhân văn ở Đan Mạch, đã lan toả ra hơn 80 nước, với hàng nghìn người tình nguyện trở thành những cuốn sách và nội dung của sách chính là các câu chuyện của cuộc đời họ. “Thư viện” có rất nhiều loại sách, về nhiều chủ đề khác nhau về xã hội, và có những tiêu đề như “cô đơn”, “di cư”, “nạn nhân của xâm hại”, “bệnh tâm lý”…
Người đọc sách chỉ cần đến “thư viện”, chọn một tiêu đề và sau đó sẽ có 30 phút để khám phá “cuốn sách”. Bạn có thể hỏi bất cứ câu hỏi nào liên quan đến cuốn sách, và cuốn sách biết thở ấy có quyền trả lời hoặc không. Ronni Abergel, người sáng lập của “Thư viện người”, khẳng định rằng, “dù bạn trẻ hay già, giàu hay nghèo, không quan trọng bạn là ai, bạn có thể gặp nhau ở đây và học được những điều gì đó”.
Theo Abergel, các chủ đề của thư viện đang tiếp tục rộng mở, khi họ tìm kiếm những người vô gia cư, thất nghiệp, trầm cảm, những người có các vấn đề về tâm thần và người khuyết tật để chia sẻ những câu chuyện cuộc đời họ cho mọi người, mục đích là để tăng thêm sự kết nối, đồng cảm và thấu hiểu giữa người với người. Rất nhiều người tình nguyện làm “sách” và ngày càng nhiều người quan tâm hơn đến hình thức kể chuyện và đối thoại như thế này, một hình thức sống động cho sự giao tiếp với những câu chuyện đời thực sống động và chân thực, dựa trên một nguyên tắc bất di bất dịch là “không ai phán xét ai”.
Anders Fransen là một câu chuyện đặc biệt. Bị mù và khiếm tính, anh cũng mắc một căn bệnh lạ liên quan đến gene khiến anh rất khó đổ mồ hôi. Anh nói với kênh Euronews: “Trong cuộc sống hàng ngày, không dễ kết nối mọi người. Tôi nghĩ rằng mọi người thường e ngại những thứ mà họ không biết, không quen”. Chính vì thế, Fransen muốn câu chuyện của đời mình được kể hàng tuần. Trên “sách giá sách” của Fransen có 3 chủ đề, trong đó có chủ đề về cuộc sống của người khuyết tật thế nào.
Tina Paoli, một cuốn sách nói khác, cho rằng, “kể cả khi bạn được chẩn đoán bị chứng có bệnh hoặc có điều gì đó tồi tệ trong cuộc đời, bạn vẫn là một người tốt”. Chủ đề của cô là “OCD” và “PTSD” (rối loạn căng thẳng sau sang chấn tinh thần).
Trong bối cảnh hậu đại dịch và cuộc sống hiện đại đầy stress, những “thư viện người” có một giá trị đặc biệt, đồng thời có ý nghĩa giáo dục và tìm kiếm sự đồng cảm, khi tạo cầu nối giữa những con người không quen biết.
Abergel nói: “Đôi khi, có những điều ở bề ngoài khiến rất khó có thể phân biệt được mọi người khác nhau thế nào, nhưng khi bạn tìm hiểu kĩ hơn, lần giở các trang phía sau lớp bìa của cuốn sách, bạn sẽ nhận ra chúng ta có rất nhiều điểm chung”…
Nguồn: Trương Anh Ngọc