Bác Hồ – Người truyền lửa với tình yêu sách báo
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả cuộc đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân. Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản cao quý, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng tận trung với nước, tận hiếu với dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890, cách đây 131 năm.
Học tập Bác Hồ phương pháp đọc sách
Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam ngày 1 tháng 9 năm 1961, Hồ Chủ tịch đã tâm sự : “Về văn hoá tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông : 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađio lần đầu.” Vậy mà Người đã có một trí tuệ phi thường, một sự hiểu biết đáng khâm phục, đúng như nhà nghiên cứu Vasiliep đã nhận xét : “Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”.
Đạt được tầm hiểu biết ấy là nhờ Hồ Chủ tịch đã không ngừng học tập, nói đúng hơn là không ngừng tự học. Khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm ( Vào ngày 9 tháng 12 năm 1961), Hồ Chủ tịch đã tâm sự : “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học… Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Và với Bác, nguyên lý và phương thức học được tóm gọn trong mấy câu sau : “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”.
Nói về đọc sách sinh thời Chủ tịch Hồ Chí minh đã từng căn dặn: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn…” Đọc sách không chỉ lấp đầy khoảng thời gian rảnh rỗi, nó còn giúp chúng ta có thêm rất nhiều kiến thức mới, phục vụ cho cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thực hiện rất nhuần nhuyễn quan điểm này, với thời gian đọc sách của Người khiến mọi người phải nể phục.
Người khuyên: “Muốn có nhiều tài liệu phải xem cho rộng… Xem được nhiều thứ báo chừng nào thì lấy được nhiều tài liệu chừng ấy”. Không chỉ là những người đọc để phục vụ công việc hàng ngày mới cần phải đọc, mà mỗi một người đều nên đọc sách để tăng thêm kiến thức và có những hiểu biết cho quyền lợi, nghĩa vụ của mình.
Người nhấn mạnh: “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu trong sách. Có vấn đề thông suốt thì mạnh dạn đề ra cho vỡ lẽ, đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt ra câu hỏi: “vì sao” đều phải suy nghĩ kỹ càng, xem nó có hợp với thực tế hay không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ cho chín chắn.”
Học tập tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cách đọc sách chưa bao giờ là điều lạc hậu, cũ kĩ trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên của công nghệ nghe nhìn đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa đọc. Để duy trì, phát triển và lan tỏa văn hóa đọc theo tấm gương của Bác trong kỷ nguyên số là thách thức không nhỏ đối với những người làm văn hóa hiện nay.
ST: TT –TV