Các yêu cầu đối với kiến thức thông tin của sinh viên hiện nay

 Kiến thức thông tin là kỹ năng then chốt, cần thiết trong việc nghiên cứu bất kỳ lĩnh vực nào. Đó là điều kiện tiên quyết cho việc học tập suốt đời và cho phép người học tham gia một cách chủ động và có phê phán vào nội dung học tập và mở rộng việc nghiên cứu, trở thành người có khả năng tự định hướng, tự kiểm soát tốt hơn quá trình học của mình. Khi mà các trường đại học ngày càng có xu hướng lồng ghép việc phát triển và đánh giá các kỹ năng này vào việc đào tạo ở bậc đại học, kiến thức thông tin cung cấp một cổng thông tin cho việc phát triển các kỹ năng khác. Kiến thức thông tin đã nổi lên như một vấn đề quan trọng trong việc đào tạo sinh viên, đặc biệt là cho những người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Ngày nay, kiến thức thông tin không chỉ là vấn đề riêng của ngành thông tin – thư viện, mà nó đã trở thành vấn đề cấp thiết của thế kỷ 21, và đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực giáo dục đại học. Có thể khái quát rằng: kiến thức thông tin giúp chúng ta có khả năng tốt hơn để nhận biết nhu cầu thông tin, khai thác và sử dụng thông tin một cách hiệu quả. Và kiến thức thông tin trở thành một yêu cầu cấp thiết đối với sinh viên trong các trường đại học hiện nay.

  1. Khái niệm về kiến thức thông tin

Thuật ngữ kiến thức thông tin (Information Literacy) được các nước phát triển trên thế giới sử dụng nhiều và xuất hiện lần đầu tiên ở Hoa Kỳ vào những năm 70 của thế kỷ 20 [1]. Khái niệm đó cũng được một số nước phát triển khác sử dụng như Australia, New Zealand [4]. Ban đầu, khái niệm kiến thức thông tin gắn liền với việc giải quyết vấn đề khủng hoảng và bùng nổ thông tin, được mô tả như một tập hợp các kỹ năng thu thập và xử lý thông tin. Đến năm 1987, khái niệm này được mở rộng và xem như một khái niệm về “cách thức học tập” và “học tập suốt đời”.

Hiện nay, khi bàn về khái niệm kiến thức thông tin ở mỗi nước, mỗi tổ chức lại đưa ra những định nghĩa, quan niệm khác nhau:

Theo UNESCO: “Kiến thức thông tin là sự kết hợp của kiến thức, sự hiểu biết, các kỹ năng và thái độ mà mỗi thành viên cần hội tụ đầy đủ trong xã hội thông tin. Khi mỗi cá nhân có kiến thức thông tin thì họ sẽ phát triển khả năng lựa chọn, đánh giá, sử dụng và trình bày thông tin một cách hiệu quả”[6, tr.10].

Theo Hiệp hội Thư viện đại học và Thư viện nghiên cứu Hoa Kỳ (ACRL, 2000): “Kiến thức thông tin là mộttập hợp cáckhả năngđòi hỏicá nhânđể nhận ra khithông tinlà cần thiết vàcó khả năngxác định vị trí, đánh giá và sử dụngcó hiệu quảcácthông tincần thiết” [5, tr.3].

Theo Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ (ALA): “Kiến thức thông tin là khả năng nhận biết nhu cầu thông tin của bản thân, cũng như khả năng định vị, đánh giá và sử dụng hiệu quả thông tin tìm được” [3, tr.2].

Viện Kiến thức thông tin Úc và New Zealand thì cho rằng, một người có kiến thức thông tin là người có khả năng [4, tr.3-4]:

– Nhận dạng được nhu cầu tin của bản thân;

– Xác định được phạm vi của thông tin mà mình cần;

– Thẩm định thông tin và nguồn của chúng một cách tích cực và hiệu quả;

– Phân loại, lưu trữ, vận dụng và tái tạo nguồn thông tin được thu thập hay tạo ra;

– Biến nguồn thông tin được lựa chọn thành cơ sở tri thức;

– Sử dụng thông tin vào việc học tập, tạo tri thức mới, giải quyết vấn đề, và ra quyết định một cách có hiệu quả;

– Nắm bắt được các khía cạnh kinh tế, pháp luật, chính trị và văn hóa trong việc sử dụng thông tin;

– Truy cập và sử dụng các nguồn thông tin hợp pháp và hợp đạo đức;

– Sử dụng thông tin và tri thức để thực hiện các quyền công dân và trách nhiệm xã hội;

– Trải nghiệm kiến thức thông tin như một phần của học tập độc lập cũng như tự học suốt đời.

“Kiến thức thông tin” trong tiếng Việt đôi khi còn được gọi là kỹ năng thông tin, hiểu biết thông tin, năng lực thông tin. Các khái niệm đã sử dụng trên có cùng nội hàm và được sử dụng nhiều trong các bài viết.

Qua tìm hiểu các tài liệu liên quan, chúng ta có thể thấy rằng hầu hết các tác giả đều có một điểm chung là xem kiến thức thông tin là khả năng nhận biết nhu cầu thông tin, khả năng định vị, tìm kiếm, đánh giá, sử dụng thông tin cũng như thái độ sẵn sàng chia sẻ thông tin với mọi người.

  1. Các yêu cầu đối với kiến thức thông tin của sinh viên

2.1. Về hiểu biết kiến thức thông tin

Hiểu biết kiến thức thông tin là những kiến thức, lý luận chung của kiến thức và kiến thức chuyên môn mà sinh viên phải nắm được. Sinh viên phải có những hiểu biết kiến thức thông tin:

– Quá trình hình thành thông tin, tri thức và nơi lưu trữ thông tin, cũng như nguồn gốc của thông tin mình đang và sẽ sử dụng; Biết được vai trò của thông tin, tri thức trong đời sống của bản thân và trong xã hội.

– Sinh viên phải hiểu biết về thư viện, cơ quan thông tin, trong đó bao gồm cả những kiến thức về mạng lưới thư viện, thông tin của quốc gia và thế giới, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt là thư viện, cơ quan thông tin cụ thể nơi họ đang học tập và nghiên cứu.

– Biết được và xác định được nhu cầu và yêu cầu tìm tin của mình trong từng giai đoạn, thời điểm để giải quyết vấn đề trong học tập cũng như NCKH của sinh viên.

– Biết được vốn tài liệu, nguồn lực thông tin, các dịch vụ, sản phẩm TT-TV của thư viện trường đại học nơi sinh viên đang theo học và các thư viện và cơ quan thông tin trong cả nước. Ngoài ra, sinh viên cần biết một số thư viện, cơ quan thông tin trên thế giới có nguồn lực thông tin có thể phục vụ được nhu cầu thông tin của mình.

– Sinh viên phải hiểu biết tốt về bộ máy tra cứu, truy hồi thông tin truyền thống và hiện đại trong quá trình tìm kiếm thông tin.

– Sinh viên phải hiểu biết tốt về các công cụ, chiến lược tìm và các phương pháp tìm tin.

– Biết ứng dụng tin học, internet, website để tìm tin và khai thác thông tin trên mạng internet hiệu quả.

– Hiểu biết về các kiến thức khác như pháp lệnh thư viện, luật sở hữu trí tuệ, luật bản quyền, phương pháp trích dẫn tài liệu trong học tập và sử dụng thông tin.

2.2. Về kỹ năng kiến thức thông tin

– Sinh viên phải biết kỹ năng xác định kiến thức thông tin của mình. Hiện nay, với lượng thông tin rộng, vì vậy, sinh viên phải biết xác định được những thông tin cần cho môn học, từ đó giới hạn được phạm vi tìm kiếm, giúp cho việc tìm kiếm thông tin đúng hướng và chính xác.

– Kỹ năng biết định hướng trong các bộ sưu tập, bộ máy tra cứu, tìm kiếm thông tin của thư viện và các cơ quan thông tin nơi mình học tập, trong nước và trên thế giới.

– Kỹ năng khai thác và sử dụng các vật mang tin, kỹ năng đọc để có thể thu nhận thông tin từ những nguồn lực thông tin đã đọc, đã nghiên cứu.

– Các kỹ năng nghiên cứu và đánh giá thông tin, biết xử lý, đánh giá, tổng hợp và phân tích kết quả thông tin tìm kiếm được.

– Biết kỹ năng diễn đạt và trình bày thông tin tìm được phục vụ cho công tác học tập và nghiên cứu.

– Khả năng tổng hợp, tổng quan, tổng luận các nguồn lực thông tin tìm kiếm được. Sử dụng thông tin có hiệu quả phục vụ cho học tập là sinh viên biết cách vận dụng những thông tin tìm được vào giải quyết hiệu quả vấn đề đặt ra trong học tập.

Mục tiêu của giáo dục Việt Nam là trong một tương lai không xa sẽ phấn đấu đuổi kịp và đạt trình độ khu vực và thế giới. Để làm được điều này không còn con đường nào khác hơn là không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Một trong những giải pháp hết sức cơ bản và cấp thiết là phải xây dựng được một nền tảng chiến lược phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên không những cho những năm trên giảng đường đại học mà còn cho việc học tập suốt đời. Có như vậy, chúng ta mới hy vọng trong một tương lai không xa chúng ta sẽ cho ra thị trường lao động một lớp người lao động không những có trình độ chuyên môn cao mà còn có kiến thức thông tin để có thể đáp ứng với nhu cầu phát triển của xã hội cũng như đáp ứng được nhu cầu học tập suốt đời của một con người trong xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Hoàng Sơn (2001), “Tìm hiểu khái niệm kiến thức thông tingóp phần đảm bảo chất lượng đào tạo cử nhân chuyên ngành Khoa học Thông tin– Thư viện”, Kỷ yếu hội thảo khoa học chuyên ngành Thông tin – Thư viện lần thứ nhất, tr. 86 – 109.
  2. Lê Văn Viết (2008), “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phổ biến kiến thức thông tinở Việt Nam”, Tạp chí Thông tinvà Tư liệu, (3), tr. 9 – 13.
  3. ALA (2000), Information Literacy Competency Standards for Higher Education, American Library Association, Chicago, 16p.
  4. Alan Bundy ed. (2004), Australian and New Zealand Information Literacy Framework: principles, standards and practice, 2nd ed, Adelaide: Australian and New Zealand Institute for Information Literacy, 48 p.
  5. G E Gorman, Daniel G Dorner (2006), “Information Literacy Education in Asian Developing Countries: Cultural Factors Affecting Curriculum Development and Programme Delivery”, World Library and Information Congress: 72nd IFLA Genral conference and Councll, 19p.
  6. UNESCO (2005),Development of Information Literacy through School Libraries in South-East Asian Countries (IFAP Project 461RAS5027), Bangkok, 12p.