Phần mềm thư viện số – Xu hướng tất yếu của thư viện tương lai
Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi cách thức hoạt động của các thư viện truyền thống, mở đường cho xu hướng thư viện số trong tương lai.
Bài toán thư viện thời kì công nghệ 4.0
Nhắc đến thư viện, không ít người trong chúng ta đều nghĩ ngay đến hình ảnh những tập tài liệu chất đống, giấy tờ xếp ngổn ngang,… Mỗi khi cần tìm kiếm, những người thủ thư lại lần mò trong những cuốn sổ ghi chép thủ công đã sờn mép, vất vả và khó khăn vô cùng.
Trong nền kinh tế tri thức hiện nay, chức năng của thư viện đang ngày càng thay đổi, không còn chỉ gói gọn trong việc lưu trữ và cho mượn sách. Thêm vào đó, các thư viện trở thành một môi trường học tập và trung tâm kiến thức cho người dùng tin, cũng như phổ biến kiến thức cho đối tượng người dùng tin ở bất kỳ đâu và người thủ thư phải là người hướng dẫn tìm kiếm kho tri thức đó. Khối lượng tài liệu, giấy tờ, sách vở trong mỗi thư viện ngày càng gia tăng theo cấp số nhân đặt ra thách thức trong hoạt động của các thư viện ngày nay.
Bên cạnh đó, kỷ nguyên công nghệ 4.0 mở ra một thời đại mà ở đó sách và tài liệu giấy không còn ở vị trí độc tôn. Các thư viện đã không còn là sự lựa chọn duy nhất khi muốn tìm kiếm và tra cứu thông tin. Cùng với đó, con người trong xã hội hiện đại ngày càng có xu hướng sử dụng các tài liệu điện tử, số hóa với vô vàn lợi ích vượt trội. Tất cả làm đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của các thư viện truyền thống.
Phần mềm thư viện số – Xu hướng tất yếu của thư viện tương lai
Không khó để nhận ra trong những năm gần đây, với xu thế phát triển và hội nhập, bài toán số hóa cũng được đặt ra trong hoạt động của các thư viện công cộng Việt Nam. Theo đó, không ít thư viện đã lựa chọn cách chuyển mình, chuyển từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử (thư viện số).
Thư viện số hay còn gọi là thư viện điện tử là nguồn thông tin được cung cấp cho người đọc ở dạng số. Thư viện số là nơi không chỉ cho bạn đọc tra cứu danh mục mà còn đọc toàn văn, tải về toàn văn các sách, tư liệu giữa các thư viện số. Ngoài ra, nó cho phép độc giả truy cập bất cứ nơi đâu khi họ có thiết bị đầu cuối kết nối với Internet, tăng khả năng truy tìm thông tin, giảm thời gian đi lại và chi phí làm thẻ thư viện.
Với các phần mềm thư viện số, đã qua rồi cái thời mà các thủ thư phải làm việc hàng ngày với đống giấy tờ tài liệu, tất cả chỉ được ghi chép và quản lý trong những quyển số thủ công. Trong kỷ nguyên thông tin, vai trò của thủ thư thay đổi nhanh chóng. Họ sẽ phát triển tiến tới để trở thành những tổ chức và chuyên gia thông tin trong xã hội. Những “thủ thư số” sẽ là người lựa chọn, bổ sung, bảo quản, tổ chức và quản lý các bộ sưu tập số, thiết kế kết cấu kỹ thuật cho thư viện số, mô tả nội dung và thuộc tính của đầu mục hoặc đối tượng, lập kế hoạch, thực hiện và hỗ trợ các dịch vụ số như định hướng thông tin, tư vấn và chuyển giao…. Tất cả khiến công việc của các “thủ thư số” trở nên tiện lợi và nhanh chóng hơn trước kia rất nhiều.
Không thể phủ nhận, việc sử dụng những phần mềm thư viện số là một xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay. Thư viện số sẽ làm thay đổi cơ bản phương thức hoạt động của thư viện từ thu thập xử lý tài liệu phục vụ người đọc đồng thời tạo ra các sản phẩm thông tin có giá trị nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dùng tin.
Tuy vậy, công tác số hóa hoạt động của các thư viện truyền thông cũng đặt ra những bài toán thách thức yêu cầu cho các thư viện truyền thống hiện nay. Việc áp dụng rộng rãi các phần mềm thư viện số đòi hỏi các thư viện phải có sự đầu tư về công nghệ, cơ sở hạ tầng CNTT để thực hiện nguồn tài liệu điện tử trong đó có nguồn tài liệu được số hoá. Các cán bộ thư viện cũng cần phải được tập huấn, trau dồi kĩ năng làm việc trong các thư viện số, từ đó trở thành cầu nối giữa bạn đọc với kho dữ liệu số tiềm tàng này.
Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay, xu hướng sử dụng phần mềm thư viện số là một điều tất yếu. Việc chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin tuy gặp nhiều rào cản bước đầu, nhưng trong tương lai việc ứng dụng CNTT cũng như các phần mềm thư viện số trong hoạt động số hóa tài liệu và chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin ở các thư viện Việt Nam đang mở ra một hướng đi mới cho sự hợp tác chia sẻ.
Tại Việt Nam đã có một số thư viện tại nhiều trường Đại học sử dụng các phần mềm thư viện số trong hoạt động của mình như Đại Học Y Hà Nội, Đại Học Giao Thông Vận Tải, Học Viện Quân Y, Đại Học Ngoại Thương Hà Nội,…
Với hơn 21 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giải pháp phần mềm, CMC SOFT đã xây dựng và phát triển phần mềm thư viện điện tử iLib, nhằm tin học hoá và chuẩn hoá toàn bộ hoạt động nghiệp vụ trong lĩnh vực thông tin – thư viện. Mục tiêu của iLib là giúp các Thư viện sẵn sàng cho việc hội nhập và liên thông trao đổi nguồn lực thông tin giữa các thư viện trong và ngoài nước. Giải pháp phẩn mềm thư viện điện tử iLib đã đoạt cúp vàng trong cuộc thi “Sản phẩm công nghệ thông tin”, “Giải thưởng Sao Khuê”, “Cúp vàng IT WEEK”. Đây là những cuộc thi mang tính chuyên nghiệp cao, qua đây thể hiện sự ưu việt của phần mềm thư viện do công ty CMC phát triển so với các sản phẩm phần mềm thư viện khác.