Thứ bảy, Tháng Một 18, 2025
Tin tức

Một số quy định mới của Luật Thư viện

Ngày 18/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện. Theo đó, thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cần đáp ứng các yêu cầu sau:  

– Có đủ điều kiện, khả năng thực hiện nhiệm vụ và chủ trì xây dựng, chia sẻ, khai thác tài nguyên thông tin dùng chung giữa các thư viện; triển khai kết nối, hợp tác với các thư viện cùng nhóm, chuyên ngành, lĩnh vực trong phạm vi quốc gia, lĩnh vực, ngành hoặc vùng, miền, địa phương.

      – Về cơ sở, vật chất: Thư viện phải đáp ứng được cơ sở vật chất, tiện ích, kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu phục vụ người sử dụng thư viện và khả năng mở rộng liên thông, liên kết thư viện trong lĩnh vực, ngành hoặc vùng, miền, địa phương như: Có ít nhất 500.000 đơn vị bảo quản, trong đó có ít nhất 200.000 bản sách và ít nhất 5.000 đầu tài liệu số; cơ sở dữ liệu dùng chung đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia, tuân thủ quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ và an ninh mạng. Thư viện công lập phải có phần mềm tiên tiến ứng dụng trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý thư viện; có cổng thông tin hoặc trang thông tin điện tử cung cấp tra cứu mục lục trực tuyến và các dịch vụ cung cấp tài liệu số. Có ít nhất 50 máy vi tính phục vụ người sử dụng thư viện. Ngoài ra, thư viện phải có không gian đọc thân thiện, bảo đảm khả năng tiếp cận thư viện cho mọi đối tượng người sử dụng; bảo đảm vệ sinh môi trường, trang thiết bị an ninh, an toàn và phòng cháy, chữa cháy;

      – Người làm công tác thư viện: phải có trình độ nghiệp vụ thông tin – thư viện đáp ứng tiêu chuẩn về vị trí việc làm theo quy định của pháp luật; có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, sử dụng thành thạo phần mềm quản lý thư viện theo yêu cầu vị trí việc làm, thực hiện liên thông thư viện;

      – Hiệu quả hoạt động thư viện bình quân hàng năm: Đạt ít nhất: 6.000 lượt người đăng ký sử dụng thư viện, 1.000 lượt người đến thư viện và truy cập trang thông tin điện tử thư viện; 2.000.000 lượt tài nguyên thông tin phục vụ tại thư viện và phục vụ lưu động; 1.000.000 lượt tài nguyên thông tin phục vụ trên không gian mạng; Tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm chuyên đề tối thiểu 04 lần/năm; có tối thiểu 01 đề tài cấp Bộ, ngành, cấp tỉnh đuợc nghiệm thu đưa vào tổ chức thực hiện trong thực tiễn hoặc có tối thiểu 06 sản phẩm thông tin chuyên đề, thư mục; có chia sẻ với các thư viện khác.

      Ngoài ra, Nghị định còn quy định về: Tài liệu cổ, quý hiếm, bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt; không gian đọc, phòng đọc cơ sở; các điều kiện thành lập thư viện công cộng cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; thư viện chuyên ngành; thư viện lực lượng vũ trang nhân dân; thư viện đại học; thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông; cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác; thư viện tư nhân có phục vụ cộng động; thư viện cộng đồng; thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam; trình tự, thủ tục đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện.

      Nghị định số 93/2020/NĐ-CP thay thế cho các Văn bản: Nghị định số 72/2002/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện; Nghị định số 02/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; quy định của Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các Quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/10/2020.

       Toàn văn Nghị định xin mời xem.