Đấu trường sinh tử

          Những ai đam mê văn học hay thường xuyên đọc sách chắc hẳn không còn xa lạ với thể loại tiểu thuyết. Đây là một thể loại đem đến cho độc giả nhiều giá trị về mặt tinh thần, tường thuật lại các trải nghiệm cuộc sống, suy nghĩ hành động của nhân vật. Nhờ vào kết cấu câu từ phong phú và không bị giới hạn, mà những câu chuyện bên trong tiểu thuyết được phát họa một cách rõ ràng, gần gũi. Trong số các thể loại tiểu thuyết, không thể không nhắc đến tiểu thuyết giả tưởng là thể loại tiểu thuyết mà trong đó tác giả sáng tạo nên một thế giới mới và dùng nó để thể hiện sự lý giải về con người, hiện thực, bản chất của thế giới và xa hơn là đưa ra những giải thuyết về tương lai. Những cuốn tiểu thuyết giả tưởng khiến người đọc không ngừng khám phá biên giới của trí tưởng tượng, từ đó rút ra bài học cho riêng mình.

         

          Đến với “Đấu trường sinh tử” là bộ tiểu thuyết lừng danh dành cho thanh thiếu niên của nhà văn và nhà viết kịch truyền hình người mỹ Suzanne Collins. Đấu trường sinh tử là cuốn đầu tiên của bộ 3 cuốn sách gồm “ Đấu trường sinh tử; Bắt lửa; Húng nhại”, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2009, cuốn sách đã nhận được thành công vang dội, được dịch ra 26 thứ tiếng và phát hành tại 38 quốc gia. “Đấu Trường Sinh Tử” kể về Katniss Everdeen, một cô gái cá tính và nổi loạn, và trải nghiệm của cô trong một show truyền hình mang tên Đấu trường sinh tử – nơi những thiếu niên từ 12 – 18 tuổi ở các quận bị cho vào một đấu trường để chém giết nhau.

          Tác phẩm được lấy bối cảnh ở một quốc gia giả tưởng Panem ở Bắc Mỹ trong một tương lai xa, nơi quyền bá chủ nằm vào tay của thành phố Capitol. Tuy chỉ là một thành phố, nhưng Capitol lại sở hữu quyền kiểm soát tuyệt đối đối với 12 quận xung quanh, cư dân thành phố Capitol chỉ ăn sung mặc sướng, hưởng thụ thành quả của 12 quận. Chính vì thế, trong thế giới tưởng tượng của Suzanna Collins, sự chênh lệch giữa cuộc sống cùng cực của người dân các quận và cuộc sống sang chảnh trong Capitol lộng lẫy luôn hiện diện xuyên suốt câu chuyện. Sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội giả tưởng này được thể hiện rất rõ ràng qua nhiều tiện nghi và công nghệ hiện đại trong Capitol, “Đấu trường sinh tử” thực chất là một hình thức trừng phạt cho các quận xung quanh sau một cuộc nổi dậy, một cách để nhắc nhở cư dân các quận rằng họ buộc phải phục tùng những mệnh lệnh từ thủ đô Capitol, không được chống đối. Nhu cầu giải trí của cư dân Capitol là quá lớn, khiến cho họ không thể chấp nhận, cổ vũ một “trò chơi” tàn bạo như thế này. Các “vật hiến” tham gia không những phải chém giết nhau, mà còn phải chịu nhiều thách thức đặt ra bởi những “gamemakers” để chiều thị hiếu khán giả. Sự dã man này chính là cách tác giả châm biếm một hiện tượng đã khá phổ biến trong xã hội hiện đại – khi sự đau khổ quả người khác bị biến thành một hình thức giải trí để làm hài lòng khán giả hay cộng đồng mạng. Dù thế giới này khá cực đoan, nhưng tác giả vẫn khiến cho chúng ta tự hỏi rằng thế giới chúng ta đang sống thực sự có khác thế giới giả tượng này quá nhiều không? Chính cách vận dụng thế giới giả tưởng để phản ánh những vấn đề xã hội của thực tại cho thấy sự tài tình của tác giả Suzanne Collins khi viết tiểu thuyết này. “Một thế giới giả tưởng cảnh cáo xã hội hiện tại”

          Nhưng thế giới tưởng tượng không phải là tất cả, vậy điều gì đã làm nên sức hút của Đấu trường sinh tử? Câu trả lời chính là nhân vật chính Katniss, một điểm nhấn đặc sắc của cả cuốn truyện. Ở Katniss cũng không tồn tại một vẻ dịu dàng, yểu điệu như các nữ chính khác, cô rất cá tính và mạnh mẽ, với ý chí luôn luôn bền bỉ y như một ngọn lửa vậy. Dẫu rằng Katniss có nhiều phẩm chất rất tốt đẹp mà chúng ta luôn ao ước, chẳng hạn như sự can đảm để có thể hy sinh thân mình cho mạng sống của em gái, nhưng cô ấy cũng như chúng ta, không bao giờ hoàn hảo. Và cũng như mọi thiếu niên khác, tâm trạng của Katniss đôi khi thay đổi rất bất thường, sự không hoàn hảo về mặt tính cách này cũng khiến cho nhân vật Katniss trở nên gần gũi và dễ đồng cảm hơn với độc giả.

          Ngoài Katniss ra, thì các nhân vật khác cũng đặc sắc không kém. Trong số đó, chúng ta không thể không kể đến Gale và Peeta, hai chàng trai luôn âm thầm ấp ủ một tình cảm lớn lao cho Katniss, dõi theo cô trong từng hành động nhỏ. Ngay từ đầu cuốn sách, độc giả dường như đã bị hấp dẫn hoàn toàn bởi thế giới giả tưởng thú vị. Với giọng văn không quá rườm rà, tác giả Suzanne Collins kể lại từng sự việc một cách nhanh chóng, từng trang như một loạt những cảnh quay liên tiếp khiến độc giả không thể rời mắt. Với tình tiết này nối tiếp tình tiết kia với tốc độ chóng mặt, sự kịch tích của cuốn chuyện cũng dần dần tăng theo cho đến đỉnh điểm là ngày cuối cùng của “The Hunger Games”.

          Khác với những câu chuyện thông thường với phần kết rõ ràng viên mãn làm hài lòng độc giả, thay vào đó Suzanne Collins đã xây dựng phần kết mở để người đọc tò mò chờ đợi cuốn tiếp theo, và trong lúc đợi có thể tự do liên tưởng đến những khả năng có thể xảy ra. Dẫu vậy, phần kết này vẫn được đánh giá rất cao vì tính hợp lý với nội dung cốt truyện – nó cho thấy một sự kết thúc của một hành trình dài, và cũng là sự mở đầu cuả một cuộc sống mới, vất vẻ và gian nan hơn bao giờ hết.